Linguistic
Semantics: An Introduction
Chương 1:
Những mở đầu về siêu ngôn ngữ
1.0.Dẫn
nhập
Trong chương
này, chương được xem là cơ sở của toàn bộ Phần 1, ta đề cập đến những khái niệm
cơ bản nhằm đặt ngữ nghĩa học trên một nền tảng lí thuyết vững chắc. Mặc dù đây
là một trong những chương dài nhất của cuốn sách và lại bao gồm một số vấn đề
đôi khi mang tính đòi hỏi khá cao đối với những ai chưa quen với ngữ nghĩa học,
tôi cũng đã cố ý không chia chương này ra thành 2 chương (hoặc nhiều hơn), bởi
vì tôi muốn nhấn mạnh đến một điều là các vấn đề được đề cập ở đây đan quyện
vào nhau và trước sau đều quan yếu như nhau.
Những độc
giả gặp một số vấn đề khó hiểu từ những trang đầu tiên không nên quá bận tâm về
chúng. Họ có thể trở lại với chúng khi đọc ba phần tiếp theo của cuốn sách và sẽ
thấy những phân biệt đa dạng về thuật ngữ nêu ra ở chương này được thực sự ứng
dụng như thế nào. Quả thật, đây là cách duy nhất để chắc rằng ta hiểu chúng. Việc
nêu ra từ đầu sách những phân biệt quan yếu về hệ thuật ngữ cơ sở và về quy ước
trình bày sẽ giúp độc giả tham khảo chúng dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp họ hiểu
dễ dàng hơn bản chất của hệ khái niệm và khung thuật ngữ mà tôi sử dụng, nếu
đem so sánh với những tác giả khác được dẫn ra trong mục ‘Những gợi ý tham khảo
tiếp theo’.
Ta bắt đầu
và kết thúc chương này với câu hỏi cơ bản nhất, câu hỏi mà nghĩa học, cả ngôn
ngữ lẫn phi ngôn ngữ, đều mong muốn tìm thấy một câu trả lời thoả đáng cả về lí
thuyết lẫn kinh nghiệm: nghĩa là gì? Câu hỏi này được đặt ra một cách không
chuyên môn trong mục 1.1; trong mục 1.7 ta điểm lại tóm tắt một vài trong số những
câu trả lời khái quát mà các nhà triết học, ngôn ngữ học và các khoa học khác
đã đưa ra trong quá khứ và gần đây.
Giữa hai
mục này tôi chen vào mục 1.2, dành cho cái mà tôi gọi là siêu ngôn ngữ của ngữ
nghĩa học và mục 1.3, dành cho việc xác lập phạm vi của ngữ nghĩa học, ở một mức
độ chi tiết hơn những gì mà tôi đã nêu trong Lời nói đầu. Việc nên có một mục
riêng để xem xét mối quan hệ giữa ngữ nghĩa học và nghĩa học phi ngôn ngữ chỉ
là một điều mong đợi. Điều quan trọng là độc giả thấy được rằng có nhiều cách,
trong đó cái địa hạt của ngữ nghĩa học, một mặt được người nghiên cứu định
nghĩa như một phần của nghĩa học rộng hơn và mặt khác, như một phần của ngôn ngữ
học; và độc giả cũng nên thấy được ngay từ đầu cách định nghĩa về ‘ngữ nghĩa học’
của tôi là có khác so với các tác giả khác.
Thuật ngữ
‘siêu ngôn ngữ’ và tính từ tương ứng của nó, như ta sẽ thấy trong các chương
sau của sách này, ngày nay được sử dụng khá rộng rãi khi thảo luận về những vấn
đề cụ thể của ngữ nghĩa học. (Hai thuật ngữ này sẽ được giải thích đầy đủ trong
mục 1.2) Tuy nhiên, các nhà lí thuyết và thực hành ngữ nghĩa học thường không
thảo luận, một cách hiển ngôn và dưới hình thức những thuật ngữ chung, mối liên
hệ giữa siêu ngôn ngữ hàng ngày của ngữ nghĩa học và siêu ngôn ngữ có tính
chuyên môn hơn mà họ dùng trong các công trình của mình. Tôi dành ở đây một số
trang để bàn về vấn đề này, bởi vì tôi nhận thấy tầm quan trọng của nó đã không
được thừa nhận rộng rãi như đáng ra nó phải được thừa nhận.
Ba mục tiếp
theo sẽ dành cho một số phân biệt, giữa ngôn ngữ và lời nói, ‘langue’ và
‘parole’, ‘ngữ năng’ và ‘ngữ thi’, giữa hình thức và nghĩa, giữa câu và phát
ngôn, là những phân biệt mà hiện nay đều được thừa nhận, ở những mức độ chung
nào đó, là thuộc vốn thuật ngữ của nhà ngôn ngữ học, mặc dù chúng thường không
được định nghĩa theo một cách giống nhau. Một lần nữa, tôi phải dành thêm một số
trang, nhiều hơn thường lệ, cho một số những phân biệt này. Tôi cũng phải tìm
cách làm rõ những gì thường hay bị lẫn lộn, một mặt, khi thảo luận về câu và
phát ngôn, và mặt khác khi thảo luận về ngữ năng và ngữ thi. Tất nhiên, tôi tìm
cách giải thích những khác biệt này trong bối cảnh hiện nay, gắn với những ứng
dụng cụ thể của chúng trong nghĩa học (và ngữ dụng học) và gắn với việc dùng
chúng để tổ chức cuốn sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét