Linguistic Semantics:
An Introduction
Chương 9: Ngôn bản và
diễn ngôn; ngữ cảnh và văn cảnh
• Dẫn nhập • Câu-ngôn bản • Ngôn bản là gì?
Và cái gì làm nên văn bản? • Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh • Hàm ý và hàm
ngôn quy ước • Hàm ngôn hội thoại • Ngữ cảnh là gì?
9.0. Dẫn nhập
Ta đang thao tác với điều
được giả định rằng nghĩa phát ngôn phụ thuộc cốt yếu vào ngữ cảnh. Tuy nhiên, đến
bây giờ vẫn chưa có cố gắng nào giải thích ngữ cảnh là gì hoặc làm thế nào mà
nó quyết định nghĩa của các phát ngôn và chi phối việc ta hiểu chúng. Tôi cũng
đã không nói gì chi tiết về ngôn bản nói và ngôn bản viết; tuy nhiên, trong những
chương trước tôi đã làm rõ một điều rằng, nói cần phải được phân biệt với viết
(và sản phẩm của sự nói năng phải được phân biệt với sản phẩm của sự viết
lách), cho dù trong siêu ngôn ngữ chuyên môn của nghĩa học mà ta xây dựng suốt
cuốn sách này, các thuật ngữ ‘phát ngôn’ và ‘ngôn bản’ được áp dụng cho cả sản
phẩm nói lẫn viết.
Trong chương này, ta sẽ
khảo sát cả ngôn bản (và diễn ngôn) lẫn ngữ cảnh (và văn cảnh). Như ta sẽ thấy,
ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau: cái này tiền giả định cái kia. Ngôn bản
là thành tố của cái ngữ cảnh trong đó nó được sản sinh; còn ngữ cảnh được tạo
ra, liên tục biến cải và thay đổi diện mạo nhờ vào những ngôn bản mà người
nói/người viết tạo ra trong những tình huống cụ thể. Rõ ràng rằng, ngay cả những
phát ngôn có kích cỡ của câu, thuộc loại được ta xem xét trong chương trước,
cũng được thuyết giải dựa trên cơ sở của rất nhiều thông tin ngữ cảnh, mà phần
lớn là mang tính hàm ẩn.
Ta sẽ bắt đầu bằng cách
thừa nhận hiển ngôn rằng thuật ngữ ‘câu’ thường được các nhà ngôn ngữ học dùng
theo hai nghĩa, mà một trong số đó, nói một cách nôm na, là trừu tượng hơn
nghĩa kia. Chính cái nghĩa trừu tượng hơn đó là cái nghĩa quan yếu khi các nhà
ngôn ngữ nói về ngữ pháp như là cơ chế tạo ra các câu của một ngôn ngữ và khi
các nhà ngữ nghĩa học nêu ra một sự phân biệt, như tôi đã làm, giữa nghĩa của
câu và nghĩa phát ngôn. Chỉ một số rất ít nhà ngôn ngữ học dùng các thuật ngữ
chuyên môn ‘câu–hệ thống’ và ‘câu–ngôn bản’ mà tôi giới thiệu sau đây. Tuy
nhiên, phần lớn những người nêu ra sự phân biệt giữa nghĩa câu và nghĩa phát
ngôn đều thừa nhận tầm quan trọng của sự phân biệt giữa cái nghĩa trừu tượng hơn
và cái nghĩa cụ thể hơn này của thuật ngữ ‘câu’. Họ cũng sẽ thừa nhận rằng mối
liên hệ giữa hai cái nghĩa này cần phải được làm rõ trên cơ sở một sự trình bày
lí thuyết thoả đáng về vai trò của ngữ cảnh trong việc hình thành và thuyết giải
phát ngôn. Như ta sẽ thấy, những nhà ngôn ngữ học dấn thân vào việc xây dựng
cái lí thuyết như vậy (bất luận họ xưng là nhà ngữ nghĩa học hay nhà ngữ dụng học)
đều dựa chủ yếu vào khái niệm của Paul Grice về hàm ngôn (implicature).
9.1. Câu-ngôn bản
Trước khi có thể bàn một
cách hợp lí về mối liên hệ giữa ngôn bản và ngữ cảnh, ta phải nhìn lại cái vị
thế của câu.
Chương trước đã chỉ ra
rằng có nhiều phát ngôn thường ngày của chúng ta là không đầy đủ về mặt ngữ
pháp, hoặc bị tỉnh lược. Một số là lời nói ở dạng có sẵn của những dạng thức cố
định: Good heavens!, Least said, soonest mended, v.v. Tôi không có gì nói thêm
về loại này. Tôi đề cập đến chúng chỉ để thấy rằng, trong tất cả các ngôn ngữ đều
có những biểu thức như vậy (hữu hạn về mặt số lượng và trong một số trường hợp
thì thuộc vào loại cấu trúc ít nhiều được xác định về ngữ pháp) những biểu thức
mà dạng thức và nghĩa đều không thể được giải thích về mặt đồng đại như là việc
phát ngôn ra câu. Tất nhiên, chúng phải được giải thích khi miêu tả cấu trúc ngữ
pháp và cấu trúc ngữ nghĩa của những ngôn ngữ cụ thể. Song chúng không gây ra vấn
đề, khác với những vấn đề nảy sinh tương tự khi phân tích cái tập hợp vô hạn những
phát-ngôn-thành-phẩm tiềm năng, mà bất kì thành viên nào trong số này về nguyên
tắc cũng là kết quả của việc phát ngôn câu nói. Chỉ có một tập hợp con hữu hạn,
tương đối nhỏ, của cái tập hợp vô hạn các phát ngôn tiềm năng mới được thực tại
hoá trong việc sử dụng ngôn ngữ ngày này qua ngày khác. Song, như các nhà ngữ
pháp tạo sinh đã nhấn mạnh đúng đắn trong những năm gần đây, rằng lí thuyết
ngôn ngữ học không thể bó hẹp trong việc phân tích một tập hợp hữu hạn các
phát-ngôn-thành-phẩm mang tính hiện thực, song được chọn lựa và chỉ là đại diện
(là kết quả của việc sử dụng) cho một ngôn ngữ có thể ứng với tập hợp đó. Khi
nhấn mạnh vào luận điểm này (vốn được các nhà nghĩa học hình thức chấp nhận rộng
rãi, bất luận là họ có theo những nguyên tắc của ngữ pháp tạo sinh như hiện nay
đang được lập thức trong ngôn ngữ học hay không), ngữ pháp tạo sinh chỉ tái xác
nhận một điều đã được các nhà lí thuyết và thực hành của ngữ pháp truyền thống
mặc định qua hàng thế kỉ. Cái mới và hấp dẫn trong ngữ pháp tạo sinh (cũng như
trong nghĩa học hình thức) là cố gắng áp dụng với hiệu quả tối đa nguyên tắc hợp
tố trong việc giải thích cấu trúc ngữ pháp (và nghĩa) của các câu trong ngôn ngữ
tự nhiên. Mặc dù vậy, đã có rất nhiều nhầm lẫn, cả trong ngữ pháp tạo sinh lẫn
trong ngữ pháp truyền thống về mối quan hệ giữa câu và phát ngôn. Nhiệm vụ đầu
tiên của ta trong mục này là làm sáng tỏ những nhầm lẫn này. Chính tập hợp vô hạn
các phát-ngôn-thành-phẩm tiềm năng là đối tượng quan tâm chủ yếu của ta ở đây.
Dẫu có thể là ngược đời,
song cái sản phẩm của việc phát ngôn ra câu lại không tất yếu là câu. Cái nghịch
lí rành rành này lập tức biến mất nếu ta nêu ra sự phân biệt giữa cái nghĩa trừu
tượng hơn với cái nghĩa cụ thể hơn của thuật ngữ ‘câu’. Trong cái nghĩa trừu tượng
hơn, câu là những kiến trúc lí thuyết, được nhà ngôn ngữ định ra làm tiên đề nhằm
giải thích tính đúng ngữ pháp được thừa nhận của những phát ngôn tiềm năng nào
đó và tính sai ngữ pháp của những phát ngôn khác. Chúng có thể có hoặc không có
một loại hiệu lực tâm lí nào đó trong việc sản sinh và thuyết giải phát ngôn (tức
phát-ngôn-thành-phẩm), song chúng chắc chắn không xuất hiện với tư cách là các
sản phẩm của phát ngôn được ghi lại, và có khả năng sao chép. Tôi sẽ gọi câu
theo cái nghĩa trừu tượng hơn của thuật ngữ này là câu–hệ thống
(system–sentences); chúng là cái được tạo ra bởi các quy tắc ngữ pháp trong mô
hình ngữ pháp cải biến của một ngôn ngữ–hệ thống (language–system) nào đó (vận
hành trên một vốn từ, hay bộ từ vị, vốn là một bộ phận của cùng cái ngôn ngữ–hệ
thống đó). Song thuật ngữ ‘câu’ cũng được cả ngôn ngữ học truyền thống lẫn hiện
đại (cũng như trong diễn ngôn phi chuyên môn thường này) dùng với cái nghĩa cụ
thể hơn.
Vậy, bây giờ cho phép
tôi giới thiệu thuật ngữ câu–ngôn bản (text–sentence) theo cái nghĩa cụ thể hơn
của thuật ngữ ‘câu’ – cái nghĩa theo đó câu là một tiểu lớp của những
phát-ngôn-thành-phẩm và, theo đúng nghĩa của từ, có thể xuất hiện (ít nhất là
trong một số ngôn ngữ) như là toàn bộ ngôn bản hoặc như là những phân đoạn của
ngôn bản. Điều này cho phép ta nói rằng việc nói ra một câu–hệ thống cụ thể, chẳng
hạn như:
(1)‘I have not seen
Mary’
(Tôi không thấy Mary)
trong một số ngữ cảnh,
sẽ có kết quả là tạo ra một câu–ngôn bản, như:
(2) I have not seen
Mary
(có hoặc không có sự tương
phản giữa have not với haven't, và với một cấu trúc ngôn điệu thích hợp với ngữ
cảnh nào đó). Điều này có thể trông như là sự nhân rộng các thực thể lí thuyết
một cách không cần thiết. Song có một sự thưởng công rất đáng kể.
Tôi vừa nói rằng việc
phát ngôn ra một câu không tất yếu đem lại sản phẩm là một câu. Dễ dàng minh hoạ
điều này bằng cách dẫn ra phát ngôn của câu ‘I have not seen Mary’. Giả sử ta
đang quan sát ngôn bản sau đây, ở dạng viết hoặc dạng nói:
(3) Have you seen Mary?
I haven't. Peter hasn't either. She is never here when she should be.
Ngôn bản này gồm bốn
phân đoạn, hoặc đơn vị ngôn bản (text-units), chỉ có phân đoạn thứ nhất và (có
thể) thứ tư trong số này mới thường được miêu tả như là câu trọn vẹn. Phân đoạn
thứ hai và thứ ba được truyền thống xem là những đoạn câu (sentence-fragments)
tỉnh lược. Thế nhưng trong ngữ cảnh này, phân đoạn I haven't cũng là sản phẩm của
việc phát ngôn cái câu–hệ thống (1), hệt như cái câu–ngôn bản (2) trong những
ngữ cảnh khác. (Điều này về mặt kinh nghiệm là có thể chứng minh được, bằng
cách đề nghị tư liệu viên, như giáo viên dạy ngữ pháp truyền thống trong nhà trường
đề nghị học sinh của họ, khôi phục I haven't thành một câu đầy đủ.). Và nội
dung mệnh đề của nó thì không thể xác định được, chừng nào ta chưa có khả năng
xác định cái câu được nói ra khi thực hiện cái hành động tạo lời, mà trong ngữ
cảnh này, dẫn đến cái sản phẩm là I haven't. Tất nhiên, tình hình là tương tự với
Peter hasn't either xét trong quan hệ với câu ‘Peter has not seen Mary’ (và
cũng có thể với She is never here when she should be xét trong quan hệ với câu
‘She is never here when she should be’).
Điều quan trọng là nhận
thấy rằng, mặc dù tôi vừa giới thiệu một số thuật ngữ chuyên môn để xử lí những
phân biệt lí thuyết cần thiết, bản thân những phân biệt này đều được chúng ta cảm
nhận là có thực trong kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ thường ngày. Ta không khó
khăn gì để xác định rằng I haven't có nội dung mệnh đề của ‘I have not seen
Mary’ trong ngữ cảnh này, của ‘I have not been to Switzerland’ trong ngữ cảnh
khác, và của ‘I have not got any money’ trong ngữ cảnh thứ ba, v.v. Trong ngữ cảnh,
I haven't mất tính mơ hồ chỉ trong chừng mực ta nói được rằng câu nào trong số
rất nhiều câu tiếng Anh (với cấu trúc ngữ pháp thích hợp) đã được nói ra.
Tôi sẽ tiếp tục dùng
thuật ngữ ‘câu’ theo cả hai nghĩa, dựa trên sự phân biệt về trình bày giữa dấu
trích đơn và chữ in nghiêng để làm rõ là tôi đang nói đến loại đơn vị nào. Hầu
hết các nhà ngôn ngữ, như tôi đã nói, không nêu ra sự phân biệt rõ ràng về khái
niệm giữa câu–hệ thống và câu–ngôn bản; việc này dẫn đến nhiều nhầm lẫn khi thảo
luận mối quan hệ giữa ngữ pháp tạo câu và cái sản phẩm (và sự thuyết giải) của
ngôn bản. Người ta ngờ rằng nó cũng làm giảm giá trị nhiều công trình về ngôn
ngữ học văn bản theo quan điểm của ngữ pháp tạo sinh. Điều này là hiển nhiên bởi
lí do sau: Cái nghĩa theo đó ngôn bản được sản sinh (tức được tạo ra) trong những
tình huống cụ thể thì khác với cái nghĩa theo đó câu (tức câu–hệ thống) được tạo
ra, với tư cách là những đối tượng toán học trừu tượng, nhờ vào các quy tắc của
ngữ pháp tạo sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét