Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (1) 1.1. Nghĩa của ‘nghĩa’

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (1)

1.1. Nghĩa của ‘nghĩa’

Theo truyền thống, nghĩa học được định nghĩa là sự nghiên cứu nghĩa; và đây chính là định nghĩa mà ta chấp nhận ngay từ đầu. Nhưng có phải tất cả các kiểu loại ý nghĩa đều nằm trong phạm vi của nghĩa học, hay chỉ có một số trong chúng mà thôi? Trong ngữ cảnh như vậy thì ‘nghĩa’ biểu thị cái gì?

Giống như nhiều từ tiếng Anh khác, danh từ ‘nghĩa’ và động từ phái sinh ‘có nghĩa, có ý’ được dùng trong một loạt ngữ cảnh khác nhau và với vài ý nghĩa khác biệt nhau. Lấy ví dụ trường hợp của động từ, nếu ta nói

(1) Mary means well,

(Mary tỏ thiện ý)
ta hàm ý rằng Mary có chủ ý tốt, rằng cô ta có ý không gây hại. Tuy nhiên, hàm ý về chủ định này tất sẽ bị mất đi trong một phát ngôn như:

(2) That red flag means danger.

(Lá cờ đỏ ấy biểu thị sự nguy hiểm)

Khi nói câu này, người ta tất không hề hàm ý rằng lá cờ có ý gây nguy hiểm cho bất kì ai; người ta thông báo rằng lá cờ đó được dùng (thể theo một quy ước đã được xác lập trước đó) để chỉ ra rằng có sự nguy hiểm đâu đó chung quanh nó, chẳng hạn như có một đường nứt trên sườn đồi đầy tuyết hoặc có mìn sắp nổ ở công trường đá bên cạnh. Tương tự với cái cách dùng động từ ‘có nghĩa’ ở trường hợp lá cờ đỏ, ít nhất là ở một phương diện nào đó, là cách dùng nó trong phát ngôn sau:

(3) Smoke means fire.

(Có khói nghĩa là có lửa)

Trong (2) và (3) một cái gì đó được coi là tín hiệu (sign) của một cái khác: nhờ sự hiện diện của tín hiệu, là lá cờ hoặc khói, bất kì ai với hiểu biết cần thiết tối thiểu đều có thể suy đoán về điều mà tín hiệu đó biểu thị (signifies), tuỳ theo trường hợp, là sự nguy hiểm hoặc lửa.

Thế nhưng giữa (2) và (3) lại có một khác biệt quan trọng. Trong khi khói là một tín hiệu tự nhiên (natural) của lửa, liên hệ một cách có nguyên do với cái mà nó biểu thị, thì lá cờ đỏ là dấu hiệu quy ước (conventional) để biểu thị sự nguy hiểm: nó là một biểu trưng (symbol) được con người xác lập. Những sự phân biệt này, một mặt giữa cái có chủ định và không chủ định, mặt khác giữa cái có tính tự nhiên và cái do quy ước, hay có tính biểu trưng, từ lâu và cho đến hiện nay vẫn là trọng tâm của những khảo cứu lí thuyết về nghĩa.

Việc động từ ‘có nghĩa, có ý’ (‘mean’) được dùng với những nghĩa khác nhau trong phạm vi các ví dụ mà tôi vừa dẫn ra là một điều hiển nhiên, xuất phát từ cái thực tế rằng câu:

(4) Mary means trouble
là một câu nói mơ hồ: nó có thể được hiểu như trong (1) Mary means well (Mary tỏ thiện ý) hoặc như trong (3) Smoke means fire (Có khói nghĩa là có lửa). Quả thật, với một ít tưởng tượng, có thể nghĩ ra một ngữ cảnh, hay một tình huống trong đó động từ ‘có nghĩa, có ý’ trong phát ngôn (4) Mary means trouble có thể được giải thuyết một cách thoả đáng theo cách thường được hiểu ở (2) That red flag means danger (Lá cờ đỏ ấy biểu thị nguy hiểm). Và ngược lại, nếu ta tạm bỏ qua những giả định có tính bản thể (ontological assumptions) thông thường – nghĩa là những giả định của chúng ta về thế giới – để xem lá cờ đỏ được nêu ở (2) như là một thực thể sống có ý chí và chủ định riêng thì chúng ta cũng có thể giải thuyết phát ngôn (2) một cách không kém thoả đáng theo cách chúng ta thường giải thuyết phát ngôn (1).

Việc giải thuyết phần lớn các phát ngôn của ngôn ngữ, bất luận là được nói ra hay viết ra, đều phụ thuộc – ở mức độ ít nhiều nào đó – vào ngữ cảnh trong đó chúng được sử dụng. Và cũng không được quên rằng ngữ cảnh của phát ngôn bao gồm cả những xác tín có tính bản thể của các bên tham gia giao tiếp: một số lớn trong số chúng được xác định theo văn hoá và chúng, mặc dù thường được giả định mặc nhiên, vẫn có thể bị xem xét lại hoặc bị bác bỏ. Phần lớn các phát ngôn của ngôn ngữ tự nhiên, ở dạng thực tại hay tiềm ẩn, đều có nhiều nghĩa, hay nhiều cách giải thuyết hơn so với suy nghĩ ban đầu mà chúng ta dành cho chúng khi xem xét chúng tách rời khỏi ngữ cảnh. Đây là một điểm không phải bao giờ cũng được các nhà nghĩa học quan tâm đúng mức.

Xét theo khía cạnh này, các phát ngôn chứa động từ ‘có nghĩa, có ý’ (hoặc danh từ ‘nghĩa’) không khác gì so với các phát ngôn khác trong tiếng Anh. Và điều quan trọng cần nhớ là, xét ở các khía cạnh khác, động từ ‘có nghĩa, có ý’ và danh từ ‘nghĩa’ cũng chỉ là các từ bình thường của tiếng Anh. Không cần thiết phải cho rằng tất cả các ngôn ngữ tự nhiên, trong vốn từ vựng hàng ngày của chúng, đều có những từ tương ứng một cách chính xác với động từ ‘có nghĩa, có ý’ và danh từ ‘nghĩa’ cả về mặt ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa. Đây là điểm thứ hai đặc biệt cần nhấn mạnh và tôi sẽ trở lại với nó sau (mục 1.2).

Bây giờ chúng ta hãy xét một nghĩa hệ thống (hoặc nghĩa) khác của động từ ‘có nghĩa, có ý’. Nếu ta nói:

(5) ‘Soporific’ means “ tending to produce sleep”.

(‘Gây ngủ’ có nghĩa là “làm cho ngủ”)
thì hiển nhiên là ta không hề gán ép sự chủ định nào cho cái từ tiếng Anh ‘soporific’. Tuy nhiên, có thể cho rằng có một mối liên hệ mang tính bản chất, mặc dù là gián tiếp, giữa những gì mà người ta biểu thị hoặc chủ định biểu thị, với những gì được gán một cách quy ước cho các từ mà họ sử dụng. Luận điểm này được các nhà triết học ngôn ngữ thảo luận rất nhiều. Bởi vì nó không quan yếu đối với những quan tâm chính của cuốn sách này nên tôi không bàn đến ở đây. Tôi cũng không bàn đến một luận điểm liên quan, là cũng tồn tại một mối liên hệ bản chất, và có thể là trực tiếp hơn, giữa những gì mà người ta muốn bày tỏ và những gì người ta chủ định bày tỏ. Mặt khác, trong Chương 8 và Chương 9, tôi sẽ đưa ra một cách trình bày cụ thể về sự khác biệt giữa việc nói ra điều mà ta muốn nói và việc hiểu điều mà ta nói – đây là một phân biệt khác đã được tranh luận rộng rãi trong triết học ngôn ngữ.

Tính chủ định chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong bất kì học thuyết nào người ta có thể nêu ra về nghĩa của phát ngôn, cho dù nó không phải là đặc tính của các từ tạo nên phát ngôn. Tạm thời, ta hãy đơn giản lưu ý rằng chính cái nghĩa của động từ “có nghĩa, có ý” được nêu ví dụ ở (5) chứ không phải cái ý nghĩa được nêu ở ví dụ (6):

(6) Mary didn’t really mean what she said.

(Mary đã thật sự không nghĩ như điều cô ấy nói)
mới là cái nghĩa được quan tâm trực tiếp hơn trong ngôn ngữ học.

Ta vừa lưu ý rằng danh từ ‘nghĩa’ (và động từ tương ứng ‘có nghĩa, có ý’) là có nhiều nghĩa. Nhưng luận điểm chính tôi muốn nói trong mục này không phải là về tính đa nghĩa, hay đa nghĩa hệ thống, của từ này, mà là việc những nghĩa này có liên quan với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều cách. Điều này giải thích tại sao việc nghiên cứu cái đối tượng được xem là nghĩa (theo một nghĩa này hay nghĩa khác của từ tiếng Anh ‘meaning’) lại là mối quan tâm của nhiều ngành và không hề là lãnh địa riêng của ngành nào. Theo đó, nếu nghĩa học được định nghĩa là sự nghiên cứu về ý nghĩa thì sẽ có nhiều phân nhánh khác nhau nhưng giao nhau của nghĩa học: nghĩa học triết lí, nghĩa học tâm lí, nghĩa học nhân chủng, nghĩa học lô-gic, ngữ nghĩa học v.v.

Chính ngữ nghĩa học (linguistic semantics) là đối tượng mà ta chủ yếu quan tâm trong cuốn sách này; và mỗi khi tôi sử dụng thuật ngữ ‘nghĩa học’ mà không có thêm định ngữ nào thì nó sẽ được hiểu với nghĩa hẹp hơn, để chỉ ngữ nghĩa học. Tương tự, mỗi khi tôi dùng thuật ngữ ‘ngôn ngữ’ không kèm theo định ngữ nào thì nó sẽ được hiểu là dùng để chỉ cái thường được gọi là ngôn ngữ tự nhiên (natural languages). Nhưng ngữ nghĩa học là gì và nó phân biệt với nghĩa học phi ngôn ngữ ra sao? Và cái gọi là ngôn ngữ tự nhiên thì phân biệt với các loại ngôn ngữ khác như thế nào về phương diện nghĩa cũng như các phương diện khác? Đây là những câu hỏi mà ta sẽ bàn đến trong mục 1.3. Nhưng trước hết, cần nói đôi điều về hệ thuật ngữ, cách thức sử dụng, và chung hơn, là về siêu ngôn ngữ (metalanguage) có tính chuyên môn và không chuyên môn của ngữ nghĩa học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét