Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (3) 1.3 Ngữ nghĩa học và nghĩa học phi ngôn ngữ

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (3)



1.3 Ngữ nghĩa học và nghĩa học phi ngôn ngữ

Trong tiếng Anh, tính từ ‘linguistic’ là lưỡng nghĩa. Nó có thể được hiểu hoặc “gắn với ngôn ngữ”, hoặc “gắn với ngôn ngữ học”.

Thuật ngữ ‘linguistic semantics’ cũng theo đó mà lưỡng nghĩa. Giả sử nghĩa học (semantics) là khoa học nghiên cứu về nghĩa thì ‘linguistic semantics’ có thể được dùng để chỉ, hoặc là sự nghiên cứu nghĩa trong chừng mực nghĩa đó được biểu thị trong ngôn ngữ, hoặc là sự nghiên cứu nghĩa trong phạm vi ngôn ngữ học. Chính cái nghĩa thứ hai này được dùng ở đây và trong suốt cuốn sách này. Ngữ nghĩa học, vì vậy, là một phân nhánh của ngôn ngữ học, cũng giống như nghĩa học triết lí là phân nhánh của triết học, nghĩa học tâm lí là phân nhánh của tâm lí học v.v...

Bởi vì ngôn ngữ học được định nghĩa khái quát là khoa học nghiên cứu ngôn ngữ cho nên có thể nghĩ rằng, sự phân biệt mà tôi vừa nêu ra giữa hai cái nghĩa được dùng của ‘linguistic semantics’ là một sự phân biệt chẳng mang lại sự khác biệt nào. Tuy nhiên, sự thể không phải như vậy. Ngôn ngữ học không nhằm giải quyết mọi thứ nằm trong phạm vi của từ ‘ngôn ngữ’. Giống như các bộ môn khoa học khác, nó xác lập bộ khung lí thuyết riêng của mình. Như những gì tôi đã giải thích với từ ‘nghĩa’, thì nhằm phục vụ những mục đích riêng của mình, ngôn ngữ học có quyền định nghĩa lại những từ dùng hàng ngày như ‘ngôn ngữ’ và không nhất thiết phải dùng chúng theo cái cách mà chúng được dùng bên ngoài ngôn ngữ học, bất luận là cách dùng có tính thuật ngữ hay phi thuật ngữ. Hơn thế nữa, như ta sẽ thấy trong mục tiếp theo, từ tiếng Anh ‘language’(ngôn ngữ) là một từ lưỡng nghĩa, vì vậy ngữ đoạn ‘nghiên cứu nghĩa trong ngôn ngữ’ có thể được hiểu theo hai cách khác nhau đáng kể. Do đó, về nguyên tắc, tồn tại không phải hai, mà là ba cách hiểu thuật ngữ ‘ngữ nghĩa học’. Tình hình cũng đúng hệt như vậy với ngữ đoạn ‘nghĩa ngôn ngữ học’ (bởi cùng một lí do). Điều này cũng sẽ được nói rõ hơn trong mục tiếp theo. Trong lúc này, tôi sẽ tiếp tục sử dụng cái từ ‘ngôn ngữ’ của tiếng Anh hàng ngày, mà không cần định nghĩa lại hoặc có sự chế định đặc biệt nào.

Trong số những bộ môn quan tâm đến nghĩa, có lẽ ngôn ngữ học là ngành quan tâm nhiều hơn cả. Tính có nội dung, hay tính có nghĩa (semanticity), nói chung thường được xem là một trong những đặc trưng dùng để định nghĩa ngôn ngữ; và điều này là không có gì để bàn cãi. Các nhà ngôn ngữ học nói chung cũng giả định rằng ngôn ngữ tự nhiên, về bản chất, là mang tính giao tiếp, có nghĩa là chúng phát triển hoặc tiến hoá –chúng đã được thiết kế, có thể nói như vậy– nhằm vào những mục đích giao tiếp và tương tác; và cái được gọi là những đặc trưng thiết kế (design-properties) của chúng –cụ thể hơn, cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa của chúng– là khớp với mục đích này, nếu không như vậy thì chúng là mang tính huyền bí, không thể giải thích được. Gần đây, quan niệm này đã bị các nhà ngôn ngữ học và triết học xem xét lại. Đối với những mục đích của cuốn sách này, ta có thể giữ thái độ trung hoà về vấn đề này. Như phần lớn các nhà ngôn ngữ học, tôi sẽ tiếp tục cho rằng các ngôn ngữ tự nhiên được mô tả đúng bản chất như là những hệ thống giao tiếp (communication-systems). Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng không có hệ quả nào phụ thuộc vào điều giả định này. Mặc dù nhiều kiểu ứng xử có thể được mô tả như là có nghĩa nhưng quả thật so với phạm vi, sự đa dạng và phức tạp của các loại nghĩa mà ngôn ngữ biểu thị thì không một kiểu ứng xử giao tiếp nào, thuộc con người hoặc không thuộc con người, lại có thể sánh được. Một phần của sự khác biệt giữa giao tiếp bằng ngôn ngữ và các kiểu loại ứng xử giao tiếp khác bắt nguồn từ các đặc trưng về tính chủ định và quy ước, là những đặc trưng đã được nói trong mục 1.1.

Một sinh vật không phải là con người thường biểu lộ tình cảm hoặc thái độ dưới dạng những ứng xử có vẻ không chủ định và không quy ước. Lấy ví dụ, một con cua sẽ cho thấy sự giận dữ bằng cách giương cái càng to. Trong khi đó, con người sẽ hiếm khi biểu lộ sự giận dữ, dù có chủ định hay không, bằng cách giơ nắm đấm. Thông thường hơn, người ta sẽ thể hiện những tình cảm như tức giận bằng các phát ngôn như:

(12) Rồi mày sẽ ân hận về điều đó.

hoặc

(13) Tao sẽ kiện mày.

hoặc

(14) Sao mày dám làm thế!

Sự thật, âm sắc giọng nói khi phát ngôn những câu trên thường được nhận biết là biểu thị sự tức giận; và nó có thể được đi kèm với cử chỉ hoặc nét mặt giận dữ. Nhưng trong chừng mực ta quan tâm đến các từ được dùng thì rõ ràng là không có một liên hệ tự nhiên, phi quy ước giữa dạng thức và nghĩa: như ta đã nhận xét trong mục trước, các từ, theo cái nghĩa này, là mang tính võ đoán (arbitrary). Phần lớn cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên dùng để biểu thị ý nghĩa cũng vậy. Và, như chúng ta sẽ thấy trong suốt cuốn sách này, còn có nhiều rất nhiều điều để giải thích về tính có nghĩa của ngôn ngữ –tức khả năng biểu thị nghĩa của nó– hơn là chỉ đơn giản nói rằng mỗi từ có nghĩa gì.

Ở điểm này, cũng nên nhấn mạnh rằng, cho dù phần lớn cấu trúc các phát ngôn của ngôn ngữ tự nhiên là võ đoán, hoặc mang tính quy ước, thì cũng tồn tại nhiều nhân tố phi võ đoán trong chúng. Một kiểu phi võ đoán hiện thường được viện dẫn là tính phỏng hình (iconicity). Nói nôm na thì tín hiệu có tính phỏng hình là tín hiệu mà hình thức của nó có thể được giải thích dựa trên sự tương đồng giữa hình thức của tín hiệu và nội dung mà nó biểu thị: các tín hiệu không mang đặc tính này đều là phi phỏng hình. Như các nhà ngôn ngữ học đã lưu ý từ hàng thế kỉ nay, trong tất cả các ngôn ngữ tự nhiên đều tồn tại những từ được truyền thống miêu tả là các từ tượng thanh (onomatopoeic), chẳng hạn các từ splash, bang, crash hoặc cuckoo, peewit v.v... trong tiếng Anh; ngày nay chúng được phân loại dưới một tên gọi chung hơn là ‘từ phỏng hình’. Nhưng những từ như vậy là khá ít về mặt số lượng. Điều quan trọng hơn đối với ta là, mặc dù phần lớn cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên là võ đoán, chúng vẫn mang tính phỏng hình nhiều hơn so với mức mà các sách giáo khoa ngôn ngữ chuẩn mực có thể thừa nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo cách nhìn như vậy, lại chính là tính phỏng hình bộ phận của cái thành tố phi lời (non-verbal) trong các phát ngôn của ngôn ngữ tự nhiên.

Cụ thể thì các phát ngôn được nói ra, ngoài các từ cấu thành, sẽ còn mang một ngữ điệu và một mô hình trọng âm riêng: chúng được gọi theo thuật ngữ chuyên môn là các đặc trưng ngôn điệu (prosodic features). Những đặc trưng này là một bộ phận cơ hữu của những phát ngôn chứa chúng, và không được coi chúng, theo một cái nghĩa nào đó, là thứ yếu hay tuỳ nghi. Các đặc trưng ngôn điệu trong tất cả các ngôn ngữ tự nhiên, ở một mức độ đáng kể (mặc dù không phải là toàn bộ) là mang tính phỏng hình. Các phát ngôn nói ra cũng có thể được hỗ trợ bởi cái được gọi là những dấu hiệu kèm lời (paraliguistic features), vốn thường hay được gọi một cách thiếu chính xác là ngôn ngữ cử chỉ (điệu bộ, tư thế, ánh mắt, nét mặt...). Như thuật ngữ ‘kèm lời’ cho thấy, những yếu tố này không được các nhà ngôn ngữ học xem là một phần cơ hữu của những phát ngôn mà chúng có quan hệ. Xét theo khía cạnh này, chúng khác với các đặc trưng ngôn điệu. Nhưng các dấu hiệu kèm lời cũng mang nghĩa, và cũng giống như các đặc trưng ngôn điệu, chúng dùng để định dạng (modulate) và chấm câu (punctuate) cho các phát ngôn mà chúng đi kèm. Chúng thậm chí còn có xu hướng phỏng hình, hay nói cách khác là tính phi võ đoán, cao hơn các đặc trưng ngôn điệu. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, tính phi võ đoán của chúng được pha trộn với tính quy ước ở một mức độ cao không kém: nói như vậy nghĩa là các đặc trưng ngôn điệu của ngôn ngữ nói và những dấu hiệu kèm lời kèm theo phát ngôn trong những ngôn ngữ (hoặc các phương ngữ) cụ thể, thuộc các nền văn hoá (hoặc tiểu nhóm văn hoá) cụ thể thì biến đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và cần phải được học với tư cách là một phần của quá trình thủ đắc ngôn ngữ bình thường.

Ngôn ngữ viết không có gì tương ứng trực trực tiếp với các đặc trưng ngôn điệu hoặc kèm lời của ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, các dấu chấm câu (dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi v.v...) và chữ viết hoa, in nghiêng, gạch chân v.v... có thể xem là tương đương về chức năng. Vì vậy, tôi dùng thuật ngữ ‘chấm câu’ như là một thuật ngữ của ngữ nghĩa học cho cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết.

Một dạng khác của tính phi võ đoán mà các nhà ngữ nghĩa học rất quan tâm trong những năm gần đây là tính trực chỉ (indexicality). Một yếu tố trực chỉ (index), như tên gọi được định nghĩa ngay từ đầu, là một tín hiệu mà theo một nghĩa nào đó, hướng sự chú ý đến –tức chỉ ra (indicates) (hoặc là chỉ báo cho (or is indicative of))– cái mà nó biểu đạt (trong tình huống trực tiếp) và do đó hành chức với tư cách là một đầu mối, có thể nói như vậy, chỉ báo cho sự hiện diện hoặc tồn tại (trong tình huống trực tiếp) của bất kì cái gì mà nó biểu hiện. Chẳng hạn, khói là trực chỉ của lửa, lời nói lắp bắp có thể là dấu hiệu của say rượu, v.v... Trong hai trường hợp này, có một mối liên hệ nguyên nhân giữa yếu tố trực chỉ và cái mà nó chỉ ra. Nhưng điều này không được xem là cốt yếu. Trong thực tế, thuật ngữ ‘trực chỉ ’, như nó được định nghĩa ngay từ đầu, bao quát nhiều thứ vốn chẳng có gì chung ngoài việc hướng sự chú ý vào một khía cạnh nào đó của tình huống hiện thực trực tiếp. Một trong những hậu quả là tình trạng thuật ngữ ‘tính trực chỉ’ đã được dùng theo một số nghĩa xung đột nhau trong các văn liệu gần đây. Tôi chỉ chấp nhận một trong số các nghĩa này và sẽ giải thích nó trong chương 10. Từ đây cho đến lúc đó, tôi sẽ không dùng các thuật ngữ ‘trực chỉ ’, ‘mang tính trực chỉ’ hay ‘tính trực chỉ’ nữa.

Tuy nhiên, tôi sẽ sử dụng động từ ‘chỉ báo’ (và cũng dùng cụm từ ‘là chỉ báo cho’) theo cái nghĩa mà tôi đã dùng cho khói và lời lắp bắp trong đoạn văn trên. Khi người ta nói có khói nghĩa là có lửa hoặc lời lắp bắp là dấu hiệu của say rượu, người ta hàm ý rằng chúng không chỉ hướng chú ý đến sự hiện diện của lửa hoặc sự say rượu (trong tình huống trực tiếp), mà còn cho biết rằng lửa là nguyên do của khói và chính cái người nói lắp bắp ấy là kẻ say rượu. Nếu ta coi đây như là một điều kiện để định nghĩa hiện tượng trực chỉ (indication), theo cái nghĩa mà giờ đây tôi chấp nhận như là nghĩa thuật ngữ của từ này, thì ta có thể nói rằng nhiều thông tin được thể hiện trong phát ngôn khi nói ra chính là chỉ báo cho các đặc trưng sinh học, tâm lí và xã hội của người nói. Lấy ví dụ, giọng của một người nói chung sẽ là chỉ báo cho nguồn gốc xã hội hay xuất xứ địa phương của người đó; và đôi khi việc chọn lựa một từ ngữ này mà không phải là từ ngữ khác trong số hai từ ngữ đồng nghĩa theo cách nào đó cũng có tác dụng tương tự.

Vậy thì nhà ngôn ngữ học xử lí thế nào với nghĩa của các phát ngôn trong ngôn ngữ? Và bao nhiêu trong số đó được xếp loại là thuộc ngôn ngữ học (theo cái nghĩa là “nằm trong phạm vi của ngôn ngữ học”) chứ không phải mang tính kèm lời (hoặc ngoại ngôn)? Nhà ngôn ngữ học, như những người nghiên cứu thuộc các bộ môn khoa học khác, sẽ thay đổi cách xử lí đối với bất kì vấn đề nào của đối tượng nghiên cứu tuỳ thuộc vào không khí học thuật đang thịnh hành. Thực tế, trong thời gian gần đây, đã từng có những thời kì, chủ yếu là ở Mĩ giai đoạn giữa năm 1930 và cuối những năm 1950, ngữ nghĩa học bị nhiều người né tránh. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó là: việc khảo sát ngữ nghĩa bị quy chụp là mang tính chủ quan (theo cái nghĩa xấu của từ này) về bản chất, và ít nhất thì cũng tạm thời bị coi là nằm ngoài phạm vi của khoa học.

Nguyên nhân đặc biệt hơn của sự né tránh ngữ nghĩa học chính là ảnh hưởng của tâm lí học hành vi đối với một số, mặc dù không phải là tất cả, trường phái ngôn ngữ học Mĩ. Nhờ có sự chỉ trích của Chomsky đối với hành vi luận vào cuối những năm 1950 và tác động mang tính cách mạng sau đó mà lí thuyết ngữ pháp tạo sinh của ông mang lại, không chỉ đối với các nhà ngôn ngữ học mà còn đối với các bộ môn khoa học khác, bao gồm triết học và tâm lí học, mà ảnh hưởng của hành vi luận không còn mạnh mẽ như nó từng có cách đây một thế hệ. Không chỉ có nhà ngôn ngữ, mà cả các nhà triết học lẫn tâm lí học, hiện nay sẵn sàng thừa nhận tư cách dữ liệu đối với những gì trước đây đã thẳng thừng bị chối bỏ vì bị xem là chủ quan (theo cái nghĩa xấu của từ) và không đáng tin cậy.

Cuốn sách này tập trung vào ngữ nghĩa học, và nó dựa vào những gì mà nhiều người coi là theo quan điểm truyền thống. Nhưng nó cũng chú trọng đúng mực đến những phát triển mới mẽ trong những năm gần đây, với tư cách là thành quả của sự hợp tác không ngừng tăng tiến giữa các nhà ngôn ngữ học và các đại diện của các ngành khoa học khác, bao gồm lô-gic hình thức và triết học ngôn ngữ, và nó xem xét những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của một số khái niệm quan trọng nhất mà ngữ nghĩa học hiện nay đang chia sẻ với những dạng nghĩa học phi ngôn ngữ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét