Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (6)
1.6. Câu và phát ngôn; ngôn bản, hội thoại và diễn ngôn
Ta đã giả định (và sẽ tiếp tục giả định) rằng tất cả ngôn
ngữ tự nhiên đều có từ, cái đơn vị có cả hình thức lẫn ý nghĩa (1.5). Bây giờ
ta hãy làm sáng tỏ thêm hai giả định mang tính thao tác, rằng: (i) tất cả ngôn
ngữ tự nhiên đều có câu, vốn cũng có cả hình thức và nghĩa như vậy; và (ii)
nghĩa của câu được xác định, ít nhất là một phần, bởi nghĩa của các từ trong
câu. Không có giả định nào ở đây gây tranh cãi. Tuy nhiên, chúng cần được xem
xét kĩ hơn trong các phần sau. Những điều chỉnh hoặc bổ sung về sau sẽ không ảnh
hưởng lắm đến bất kì luận điểm chung nào được nêu trong các chương đầu tiên.
Nghĩa của câu được xác định không phải chỉ bởi nghĩa của
các từ trong câu mà còn bởi cấu trúc ngữ pháp của câu. Điều này là rõ ràng: hai
câu có thể được cấu tạo bởi đúng cùng một số từ (với cùng một cách giải thuyết
nghĩa cho mỗi từ) nhưng lại khác biệt nhau về nghĩa. Ví dụ, hai câu (22) và
(23) sau đây chứa cùng các từ (với cùng dạng thức) nhưng lại khác nhau về phương
diện ngữ pháp. Một câu là câu trần thuật còn câu kia là câu nghi vấn tương ứng,
và sự khác biệt về ngữ pháp giữa chúng là khớp với sự khác biệt tương ứng về
nghĩa:
(22) ‘It was raining yesterday’
(Hôm qua mưa)
(23) ‘Was it raining yesterday?’
(Hôm qua mưa à?)
Các câu (24) và (25) cũng vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp
này, cả hai đều là câu trần thuật và chúng không quan hệ với nhau với tư cách
là các thành viên tương ứng của hai loại câu khớp với nhau và được xác định về
ngữ pháp:
(24) ‘John admires Mary’
(John ngưỡng mộ Mary)
(25) ‘Mary admires John’
(Mary ngưỡng mộ John)
Lưu ý rằng tôi dùng dấu trích đơn cho câu (ngay cả khi
chúng được đánh số và sắp chữ nổi bật), cũng như đã dùng đối với từ và các biểu
thức có dạng thức và nghĩa khác. Điều này hợp với quy ước trình bày đã được nêu
ra trong mục trước, vốn sẽ được tuân thủ suốt cuốn sách này. Trong Phần 1 và Phần
2, ta sẽ không quan tâm đến vấn đề liệu câu có phải là biểu thức ngôn ngữ theo
cái nghĩa đã được dùng đối với từ và ngữ đoạn không.
Để đơn giản cho việc trình bày, tôi sẽ coi sự phân biệt
giữa nghĩa của từ (word-meaning) (hoặc chính xác hơn, nghĩa từ vựng (lexical
meaning)) và nghĩa của câu (sentence-meaning) là một trong những nguyên tắc
chính để tổ chức cuốn sách này, dành Phần 2 cho nghĩa của từ và Phần 3 cho
nghĩa của câu. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh một điều rằng cách tổ chức này không hề
có một hàm ý nào về tính ưu tiên của nghĩa từ vựng so với nghĩa của câu, xét
theo khía cạnh lô-gic và phương pháp luận. Không cần thiết phải nêu vấn đề về
tính ưu tiên của loại nghĩa nào so với loại nghĩa nào cho đến khi ta xây dựng
xong khung lí thuyết và thuật ngữ. Và khi ta thực hiện được điều đó, ta sẽ thấy
rằng, giống như những câu hỏi có vẻ đơn giản như vậy, vấn đề này không có chỗ
cho câu trả lời dễ dàng, đơn giản.
Sự phân biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn
(utterance-meaning) cho ta một nguyên tắc tổ chức khác. Sự phân biệt này không
thể được giả định mặc nhiên theo cái cách có thể làm đối với nghĩa của từ và
nghĩa của câu. Không phải chỉ là chuyện nó phần nào xa lạ đối với những ai
không phải là nhà chuyên môn. Đây còn là vấn đề gây rất nhiều tranh luận giữa
các nhà chuyên môn. Hầu hết các chi tiết của vấn đề có thể được gác lại cho Phần
4. Tuy nhiên, ở đây cần phải nêu một vài điểm khái quát.
Trong tiếng Anh thường ngày, từ ‘utterance’ (phát ngôn)
thường được dùng để chỉ ngôn ngữ nói (cũng như các từ ‘diễn ngôn’ và ‘hội thoại’).
Trái lại, từ ‘text’ (ngôn bản) lại thường được dùng để chỉ ngôn ngữ viết. Trong
suốt cuốn sách này, cả hai từ ‘phát ngôn’ và ‘văn bản’ sẽ được dùng một cách
trung tính, tức không thiên vị về ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết.
Tại thời điểm này, có thể mở rộng siêu ngôn ngữ của chúng
ta bằng cách đưa ra một số thuật ngữ đặc biệt, trung tính về mặt phương tiện
(medium-neutral). Một số thuật ngữ như vậy sẽ được nêu ra trong các chương tiếp
theo. Tuy nhiên, tạm thời ta sẽ sử dụng các tên gọi của ngôn ngữ thường ngày như
‘người nói’, ‘người nghe’, cũng như ‘phát ngôn’, ‘ngôn bản’ và ‘diễn ngôn’ theo
cái nghĩa trung tính về phương tiện.
Nhưng không được lẫn lộn ngôn ngữ với lời nói. Quả thật,
một trong những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ tự nhiên là tính độc lập tương đối
của chúng đối với cái phương tiện (medium) dùng để hiện thực hoá nó. Ngôn ngữ vẫn
là ngôn ngữ, cho dù nó được hiện thực hoá như là sản phẩm của lời nói hay của
việc viết lách, và nếu nó là sản phẩm viết lách thì bất chấp việc nó được viết
bằng chữ ghi âm bình thường hay chữ người mù, tín hiệu điện tín v.v... Do những
nguyên nhân lịch sử và văn hoá, mức độ tương ứng giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ
nói biến đổi đáng kể từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nhưng trong tiếng Anh
và các ngôn ngữ khác vốn gắn bó với hệ thống chữ ghi âm, thì hầu hết, nếu không
nói là tất cả, các câu được nói ra đều có thể được đặt trong một quan hệ tương ứng
với các câu được viết ra. Cái sự thể đây không phải là một quan hệ tương ứng một-đối-một
sẽ được chúng ta bàn sau.
Ở điểm này, không cần nói thêm gì nữa về ngôn bản, diễn
ngôn và hội thoại. Thực tế là tôi không có gì để nói về chúng cho đến khi chuyển
sang chương 9. Trong lúc này, ta có thể nghĩ về phát ngôn như là những ngôn bản
tối thiểu (được nói ra hoặc viết ra), nghĩ về diễn ngôn và hội thoại như là chuỗi
kết hợp (một hoặt nhiều hơn) của các phát ngôn.
Nhưng như ta đã thấy, các thuật ngữ ‘phát ngôn’, ‘diễn
ngôn’ và ‘hội thoại’ (không như thuật ngữ ‘ngôn bản’) vừa có nghĩa quá trình, vừa
có nghĩa thành phẩm: theo nghĩa quá trình, chúng biểu thị một loại hành vi hay
hoạt động đặc biệt; theo nghĩa thành phẩm, chúng biểu thị không phải bản thân
cái hoạt động ấy mà là sản phẩm vật chất của cái hoạt động ấy (1.4). Hai cái
nghĩa này hiển nhiên có liên quan với nhau; nhưng bản chất của mối quan hệ này
lại không phải là rõ ràng, và nó sẽ được thảo luận trong Phần 4.
Còn bây giờ thì ta sẽ xác lập quy ước trình bày, rằng những
khi thuật ngữ ‘phát ngôn’ được sử dụng trong sách này mà không kèm theo chú dẫn
định tính và trong những ngữ cảnh mà cái nghĩa quá trình bị loại bỏ bởi những
nguyên do cú pháp thì nó (tức ‘phát ngôn’-chú thích của người dịch) bao giờ
cũng được hiểu như là để biểu thị cái sản phẩm hay các sản phẩm của ngữ thi, gọi
theo hệ thuật ngữ của Chomsky. Phát ngôn, trong cái nghĩa thuật ngữ như vậy, là
cái mà một số nhà triết học ngôn ngữ gọi là thành phẩm (inscriptions), nghĩa là
chuỗi các kí hiệu được ghi lại trong một loại phương tiện vật chất nào đó. Ví dụ,
một phát ngôn nói thường được ghi lại (trong cái nghĩa chuyên môn của ‘được ghi
lại’) bằng phương tiện âm thanh; một phát ngôn viết thì được ghi lại bởi một phương
tiện thích hợp nào đó mà thị giác có thể xác định được. Trong chừng mực mà ngôn
ngữ được sử dụng điển hình, nếu không nói là tất yếu, cho mục đích giao tiếp
thì phát ngôn có thể được coi như là tín hiệu (signals) được truyền từ người
nói sang người nghe-hay khái quát hơn, là từ người phát sang người nhận (theo một
kênh thích hợp nào đó). Về cách thức trình bày, phát ngôn (tức các
phát-ngôn-thành-phẩm hay phát ngôn-tín hiệu) sẽ được phân biệt với câu (cũng giống
như các dạng thức của một từ được phân biệt với chính bản thân từ đó) nhờ dùng
lối in nghiêng (cho phát ngôn) và dấu trích đơn (cho câu). Điều này cũng hàm ý
rằng phát ngôn cũng là dạng thức; và đây chính là quan điểm về phát ngôn (theo
cái nghĩa là phát-ngôn-thành-phẩm) được thể hiện trong suốt cuốn sách này. Như
ta sẽ thấy ở Phần 4, trong nhiều trường hợp, cũng có thể biện hộ cái quan điểm
cho rằng phát ngôn là dạng thức phụ-thuộc-văn-cảnh của câu cụ thể. Nhưng ở thời
điểm này, đối với vấn đề gây tranh cãi về mối quan hệ giữa phát ngôn và câu, ta
không cần phải nghiêng về quan điểm này hơn là quan điểm khác.
Cần phải nhấn mạnh rằng phát ngôn trong ngôn ngữ tự nhiên
không chỉ là kết hợp, hay chuỗi (strings) dạng thức của từ. Như ta đã thấy, chồng
lên trên cái thành tố ngôn từ (verbal component) của bất kì phát ngôn nói nào
(chuỗi các từ tạo nên nó), bao giờ và tất yếu cũng có thành tố phi ngôn từ
(non-verbal component), mà các nhà ngôn ngữ học chia làm tiểu thành tố ngôn điệu
(prosodic) và tiểu thành tố kèm lời (paralinguistic) (1.3). Ở đây ta không cần
quan tâm đến việc vạch chính xác ranh giới giữa hai tiểu thành tố này. Ta chỉ lưu
ý rằng đường viền ngôn điệu của phát ngôn bao gồm ngữ điệu và có thể, cả mô
hình trọng âm của nó; còn các đặc trưng kèm lời thì bao gồm những thứ như cách
nói, âm lượng, tiết tấu, nhịp điệu v.v... Trong việc xác định nghĩa của phát
ngôn, những đặc trưng phi ngôn từ này cũng quan yếu như nghĩa của các từ được
dùng trong phát ngôn và nghĩa ngữ pháp của nó, cả hai đều được mã hoá (encode)
trong thành tố ngôn từ của phát ngôn.
Chỉ có thành tố ngôn từ của phát ngôn nói thì mới không
phụ thuộc vào cái phương tiện thể hiện nó và mang tính có thể sao chuyển
(medium-transferable), theo đó về nguyên tắc nó có thể được giữ nguyên khi chuyển
từ nói sang viết. Như ta đã thấy, một số hệ thống chữ viết chứa những nguyên tắc
ít nhiều mang tính quy ước về cách chấm câu. Nhưng chúng không bao giờ ứng khớp
với những khác biệt quan trọng về ngữ điệu trong ngôn ngữ nói. Ngay cả khi các
quy ước chấm câu thông thường được bổ trợ bởi các phương tiện đồ hình như viết
hoa, in nghiêng, in đậm, dấu nhấn v.v... thì có thể vẫn còn một bộ phận nào đó
thuộc đường viền ngôn điệu của phát ngôn bị bỏ sót, không được thể hiện.
Đây là một điểm quan trọng. Hầu như mỗi phát ngôn viết được
dẫn trong sách này và các sách ngữ học khác đều có thể đặt trong quan hệ tương ứng
với những phát ngôn nói khác biệt đáng kể nghĩa. Chẳng hạn, phát ngôn viết Mary
won’t come (Mary sẽ không đến) có thể được phát âm, hay đọc thành tiếng, theo
vài cách khác nhau, để chỉ sự chán nản, sự ngạc nhiên, sự đoán chắc v.v... Đối
với cái vấn đề cụ thể được đem ra thảo luận, tôi sẽ cố gắng chọn các ví dụ của
tôi sao cho, với một sự giải thích thoả đáng đúng lúc, việc độc giả chọn cách
hiểu nào trong số vài phát ngôn nói khác biệt nhau về nghĩa cũng sẽ không gây
ra vấn đề.
Trong lúc này, tôi giả định mặc nhiên về cái năng lực của
độc giả có thể xác định các câu trong bất kì ngôn ngữ nào mà anh ta hay chị ta
thông thạo, tức là phân biệt được câu với những kết hợp từ bất thành câu. Tôi
cũng giả định tiếp tục rằng, một số kết hợp bất thành câu bởi chúng không đúng
về ngữ pháp và số khác thì bất thành câu bởi chúng không trọn vẹn về ngữ pháp,
hoặc bị tỉnh lược; và rằng, một lần nữa, những ai có thẩm năng về ngôn ngữ, bất
luận họ có phải là người bản ngữ hay không, đều có thể xác định được hai tiểu
loại kết hợp bất thành câu này. Như ta sẽ thấy sau đây, nhiều phát ngôn thường
ngày là không trọn vẹn về ngữ pháp nhưng trong ngữ cảnh lại được chấp nhận và
hiểu được. Trong khi đó, có những câu mặc dù trọn vẹn về ngữ pháp, do một lí do
nào đó, lại không thể được nói ra một cách bình thường; sự khác biệt giữa tính
đúng ngữ pháp và tính khả chấp (bao gồm tính khả chấp về ngữ nghĩa) là cực kì
quan trọng trong ngữ nghĩa học và sẽ được thảo luận trong Phần 2 (5.2).
Trong suốt Phần 2 và Phần 3 của sách này, ta sẽ giới hạn
sự quan tâm của ta vào những phát ngôn mà mối liên hệ của chúng với câu là tương
đối hiển nhiên. Chúng ta sẽ dành Phần 4 để xác định biểu thức ‘phát ngôn ra một
câu’ có nghĩa chính xác là gì và giải thích làm thế nào mà nó có thể mở rộng để
bao gồm cả những phát ngôn đúng về mặt ngữ pháp nhưng lại không trọn vẹn, vốn
làm thành một tiểu lớp riêng của những kết hợp không phải là câu. Như tôi đã
nói, phần lớn phát ngôn hàng thường ngày có thể rơi vào cái tiểu lớp của các kết
hợp bất thành câu này.
Sự khác biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn sẽ
được bàn trong Phần 4. Lúc này đây, chỉ cần nêu hai ý khái quát. Thứ nhất,
nghĩa của câu (ở một mức độ cao) là độc lập với văn cảnh (context-independent),
trong khi nghĩa của phát ngôn thì không như vậy, có nghĩa là nghĩa của phát
ngôn (ở một mức độ cao hay thấp nào đó) được xác định bởi chính cái ngữ cảnh mà
phát ngôn đó được nói ra. Thứ hai, tồn tại một mối liên hệ mang tính bản chất
giữa nghĩa của câu và cách dùng đặc trưng (characteristic use), không phải của
một câu cụ thể nào đó mà là của cả cái kiểu câu mà cái câu cụ thể đó là thành
viên, dựa trên tiêu chí về cấu trúc ngữ pháp của nó. Đối với kiểu câu, có thể
công thức hoá mối liên hệ này theo cách như sau: câu trần thuật (declarative)
là câu mà căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của nó, thuộc vào kiểu câu mà các thành
viên được dùng một cách đặc trưng để nêu nhận định (statement) , như trong:
(26) ‘Exercise is good for you’
(Rèn luyện thì tốt cho bạn)
(27) ‘I prefer mine with ice’
(Tôi thích có đá)
Tương tự đối với kiểu câu khác, vốn phân biệt với câu trần
thuật trong tiếng Anh và trong nhiều ngôn ngữ: câu nghi vấn (interrogative) là
câu mà, căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của nó, thuộc vào kiểu câu mà các thành
viên được dùng theo lối đặc trưng để hỏi (question), như trong:
(28) ‘What time is lunch?’
(Ăn trưa lúc mấy giờ?)
và những câu tương tự. Trước đây, khi tôi nói về các câu
(22) ‘It was raining yesterday’ (Hôm qua mưa) và (23) ‘Was it raining
yesterday?’ (Hôm qua mưa à?) rằng nghĩa của chúng được xác định một phần bởi cấu
trúc ngữ pháp của chúng, tôi đã ngầm gợi đến hiểu biết của độc giả về cách dùng
đặc trưng của câu trần thuật và câu nghi vấn. Phần lớn hệ thuật ngữ của ngữ
pháp truyền thống cũng hé lộ tương tự những giả định, bất luận là đúng hay
không đúng, về cách dùng đặc trưng của các phạm trù và cấu trúc ngữ pháp cụ thể.
Cần lưu ý rằng khái niệm về cách dùng đặc trưng (vốn về bản
chất cũng có quan hệ với khái niệm nghĩa đen) ở đây gắn với kiểu câu hơn là với
từng thành viên của một kiểu câu cụ thể. Đây là điều quan trọng, cho dù có một
số câu không bao giờ, hoặc rất hiếm khi, trong những hoàn cảnh bình thường, được
dùng với chính cái chức năng đặc trưng cho kiểu câu của chúng; và như chúng ta
sẽ thấy sau này, tuỳ theo tình huống mà tất cả các câu đều có thể được dùng để
thực hiện cái gọi là hành động ngôn từ gián tiếp (indirect speech acts) (câu trần
thuật được dùng để hỏi, câu nghi vấn được dùng để yêu cầu v.v...). Tuy nhiên,
rõ ràng không thể cho rằng phần lớn câu trần thuật nên được dùng theo lối thông
thường để hỏi, còn phần lớn câu nghi vấn thì để nêu nhận định, và đại loại như
thế. Bởi vì, theo định nghĩa, câu trần thuật và câu nghi vấn là những câu với
cách dùng đặc trưng được gắn với chúng. Nếu một ngôn ngữ không có một lớp câu
phân biệt về mặt ngữ pháp gắn với một cách dùng đặc trưng nào đó trong số các
cách dùng đặc trưng này thì nó sẽ tuỳ theo tình hình mà hoặc không có câu trần
thuật hoặc không có câu nghi vấn.
Không nên nghĩ rằng tất cả các ngôn ngữ đều có cùng một cấu
trúc ngữ pháp. Như ta sẽ thấy sau này, có nhiều ngôn ngữ tự nhiên không có câu
nghi vấn hoặc trần thuật. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là trong các ngôn ngữ
đó, không thể hỏi hoặc nêu nhận định. Với tư cách là phát ngôn, hỏi có thể được
phân biệt với nêu nhận định bằng cách gán một đường viền ngôn điệu hoặc dấu hiệu
kèm lời mang tính khu biệt lên cùng một chuỗi từ khi nói và các dấu chấm câu hoặc
các kí hiệu khu biệt khi viết. Ví dụ, phát ngôn (29) – sản phẩm của việc phát
ngôn ra câu (26) – có thể được nói ra với một mô hình ngữ điệu riêng, đánh dấu
nó với tư cách là một phát ngôn hỏi (có thể cũng biểu lộ cả sự ngạc nhiên hoặc
phẫn nộ v.v...) và được viết ra với dấu hỏi:
(29) Exercise is good for you?
(Rèn luyện thì tốt cho mày à?)
Nhưng cũng chính cái câu đó có thể được nói ra với một mô
hình ngữ điệu khác trong ngôn ngữ nói, hoặc được viết ra với cách chấm câu khác
(tức là với dấu chấm chứ không phải là dấu hỏi) trong ngôn ngữ viết, để nêu nhận
định.
Như vậy, nghĩa của câu có quan hệ với nghĩa của phát ngôn
thông qua khái niệm về cách dùng đặc trưng, nhưng lại phân biệt với nó ở chỗ:
nghĩa của câu thì độc lập với cái ngữ cảnh cụ thể mà câu đó được sử dụng. Trong
khi đó, để xác định nghĩa của phát ngôn, ta buộc phải tính đến các nhân tố tình
huống. Điểm này sẽ được nói rõ hơn trong các phần sau. Nhưng những gì vừa được
nêu ra ở đây sẽ giúp cho việc tổ chức nội dung Phần 3 và Phần 4 của cuốn sách
này. Trước mắt, sự phân biệt về cách trình bày mà ta đã chấp nhận sẽ giúp ta
duy trì được sự phân biệt giữa câu và phát ngôn, phân biệt được nghĩa tự thân của
câu với nghĩa của phát ngôn vốn là kết quả của việc dùng câu đó trong một ngữ cảnh
cụ thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét