Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 9: Ngôn bản và diễn ngôn; ngữ cảnh và văn cảnh (2) 9.2. Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản?

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 9: Ngôn bản và diễn ngôn; ngữ cảnh và văn cảnh (2)



9.2. Ngôn bản là gì? Và cái gì làm nên văn bản?

Xem xét từ quan điểm nghĩa học (và dụng học), ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau: cái này tiền giả định cái kia. Tôi sẽ bàn đến ngữ cảnh ngay sau đây. Song ngôn bản là gì và cái gì làm nên ngôn bản? Như ta sẽ thấy, đây là hai câu hỏi tách biệt (song có liên quan). Ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ nhất: ngôn bản là gì?

Câu trả lời thường được đưa ra là: ngôn bản là một chuỗi câu. Như được thể hiện, câu trả lời này rõ ràng không thoả đáng, nếu thuật ngữ ‘câu’, như nó bắt buộc phải thế trong ngữ cảnh này, có nghĩa là “câu–ngôn bản”. Sự thực, có một số ngôn bản thoả mãn được định nghĩa này, đặc biệt là những ngôn bản mang tính hình thức hơn. Song phần lớn ngôn bản phổ dụng thường ngày được tạo ra như là hỗn hợp của câu, phân đoạn câu và lời nói ở dạng có sẵn. Tuy nhiên, cái khiếm khuyết trong định nghĩa về ‘ngôn bản’ vừa được nêu ra đây chỉ là một khía cạnh của một khiếm khuyết nghiêm trọng hơn: nó không làm rõ được cái sự thể rằng các đơn vị cấu thành nên văn bản, bất luận chúng là câu hay không phải câu, không phải đơn giản chỉ được xếp cạnh nhau trên chuỗi, mà phải gắn bó với nhau theo một cách thức thích hợp nào đó về ngữ cảnh. Ngôn bản, với tư cách là một thể toàn vẹn cần thể hiện các đặc trưng có liên quan, song có thể phân biệt được với nhau, là tính liên kết (cohesion) và tính mạch lạc (coherence).

Nói nôm na thì sự phân biệt giữa liên kết và mạch lạc là sự khác biệt giữa hình thức và nội dung; và sự phân biệt bất kì nào như thế, cho dù được nêu ra thế nào đi nữa bởi các trường phái ngôn ngữ học khác nhau, thì cũng đều hấp dẫn về mặt cảm tính và chính đáng về mặt lí thuyết. Trở lại với ngôn bản nêu ra làm mẫu của chúng ta, (3): Việc cái sản phẩm của hành động phát ngôn câu ‘I have not seen Mary’ có dạng thức I haven't chứ không phải I have noot seen Mary là có nguyên do về liên kết (cohesion). Tương tự như vậy, là cách dùng either trong Peter hasn't either và cách dùng đại từ ‘she’ chứ không phải ‘Mary’ trong mệnh đề thứ nhất của She is never here when she should be. Tính liên kết sẽ bị phá vỡ nếu ba đơn vị ngôn bản đầu tiên được sắp xếp theo một trật tự khác, chẳng hạn như:

(4) Peter hasn't either. I haven't. Have you seen Mary?

Tính liên kết cũng bị phá vỡ nếu ta thay thế mỗi đơn vị ngôn bản trên đây bằng câu–ngôn bản đầy đủ tương ứng.

(5) Have you seen Mary? I haven't Mary. Peter hasn't seen Mary (either). Mary is never here when she should be here.

Rõ ràng rằng (5) không có cùng một loại kết nối (connectedness) như (3). Vì lí do này mà không dễ gì, mặc dù không phải là không thể, xem chuỗi này là một ngôn bản, chứ không phải như là một chuỗi phát ngôn không kết nối (hoặc không gắn kết) với nhau. Phép tỉnh lược và việc dùng đại từ nhân xưng, cùng với việc dùng những tiểu từ kết nối và những liên từ cụ thể (therefore, so v.v.) thường phục vụ cho việc tạo ra và duy trì kiểu kết nối này, được gọi bằng thuật ngữ ‘liên kết’. Các ngôn ngữ khác nhau đáng kể xét theo mức độ chúng cho phép hay bắt buộc người sử dụng ngôn ngữ kết nối các đơn vị-ngôn bản thành chuỗi thông qua những dấu hiệu liên kết hiển ngôn.

Loại kết nối khác- mạch lạc (coherence)- là thuộc vấn đề nội dung chứ không phải hình thức. Nếu không có bất kì dấu hiệu ngữ cảnh nào để hiểu trái ngược, thì điều đang được nói đến trong bất kì một đơn vị ngôn bản nào đó sẽ được giả định là có liên quan (relevant) đến những gì vừa được nói đến trong những đơn vị ngôn bản đi trước. Ví dụ, trong (3), nội dung mệnh đề của đơn vị ngôn bản thứ tư:

(6) She is never here when she should be

bình thường sẽ được hiểu là có liên quan đến nội dung của ba đơn vị ngôn bản đi trước. Cụ thể, ‘she’ sẽ được hiểu là chỉ Mary (theo kiểu liên kết được gọi là hồi chỉ (anaphora)) và cái nhận định chung mà người nói nêu ra về Mary sẽ được hiểu như là một sự bình luận về việc cô ấy vắng mặt lúc ấy, chứ không phải như là sự biểu lộ của một suy nghĩ thoáng qua nào đó, hoàn toàn không có liên quan gì. Tương tự, nếu người ta nghe hoặc đọc chuỗi hai câu–ngôn bản sau đây:

(7) The whole family went to town last Saturday. Veronica bought a dress, while John kept the children in the toy-shop.
(Thứ bảy vừa rồi cả gia đình đi phố. Veronica mua một cái áo dài, trong lúc John trông lũ trẻ trong cửa hàng đồ chơi)

thì bình thường người ta sẽ giả định rằng Veronica là một thành viên của gia đình, và rõ ràng là bà mẹ; rằng cô ấy mua cái áo dài ở phố và rằng cửa hàng đồ chơi cũng ở phố. Không có mệnh đề nào trong số này được lập thức hiển ngôn, cho dù là kém khẳng định; và bất kì mệnh đề nào trong số chúng cũng có thể bị phủ nhận, trong những ngữ cảnh phát ngôn riêng biệt, bởi những mệnh đề khác vốn thuộc vào số những niềm tin và giả định nền tảng của người nói và người nghe. Ta sẽ trở lại vấn đề mạch lạc và quan hệ ở phần sau của chương này. Trong khi chờ đợi, có ba luận điểm sẽ được nêu ở đây và đáng được nhấn mạnh.

Thứ nhất, như ta đã nhận xét, câu hỏi “Ngôn bản là gì?” khác biệt với câu hỏi khái quát hơn “Cái gì làm nên văn bản?”. Cái thường được dẫn ra với tư cách văn bản, bất luận ở dạng nói hay dạng viết, thường được tác giả cố tình tạo ra như một tổng thể biệt lập, với những khởi đầu và kết thúc được xác định. Và, giống như (3) và (7), chúng ít nhiều dễ dàng chia được thành những đơn vị ngôn bản, một số trong đó (mặc dù không phải tất cả) có thể xem như là câu (câu–ngôn bản). Tuy nhiên, những ngôn bản dài hơi, như tiểu thuyết và kịch, thường có thể được phân tầng bậc thành những đơn vị trọn vẹn, lớn hơn và nhỏ hơn (thành chương và đoạn, hoặc hồi, lớp và lời thoại), mỗi đơn vị như vậy có liên kết và mạch lạc nội tại, có thể phân tích thành những đơn vị nhỏ hơn, được sắp xếp theo trình tự: chương được chia thành chuỗi của đoạn, đoạn được chia thành chuỗi của câu (câu–ngôn bản), v.v. Phần lớn ngôn bản mà ta tạo nên khi sử dụng ngôn ngữ hàng ngày thì không được tổ chức theo lối này.

Luận điểm thứ hai được nêu ra, đó là, như tôi đang dùng thuật ngữ ‘ngôn bản’, những câu–ngôn bản riêng lẻ, những phân đoạn câu, những lời nói cố định đều được xem như là những đơn vị của ngôn bản trong quan hệ với ngữ cảnh phát ngôn của chúng, bất luận là chúng có được lồng vào những đoạn ngôn bản lớn hơn hay không.

Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng sự trình bày của tôi về hành động ngôn từ trong chương trước, về nguyên tắc, là có ý bao quát tất cả các bình diện của cái sản phẩm của ngôn bản. Những lí thuyết gia về hành động ngôn từ đã quan tâm chủ yếu đến cái sản phẩm của câu–ngôn bản (không chú ý đến sự phân biệt mà tôi nêu ra giữa câu–ngôn bản và câu–hệ thống). Song việc phát ngôn một câu, trong thực tế, bao giờ cũng liên quan đến quá trình ngữ cảnh hoá (contextualization) nó – cái quá trình làm cho cái sản phẩm của việc phát ngôn vừa mang tính liên kết vừa mạch lạc trong quan hệ với ngữ cảnh của nó. Như tôi đã nói, ngôn bản và ngữ cảnh bổ sung cho nhau. Thế thì ngữ cảnh là gì? Và nó quan hệ với nghĩa của phát ngôn như thế nào? Ta sẽ bắt đầu bằng việc thảo luận mối quan hệ giữa ngữ cảnh và nghĩa của phát ngôn.



9.3. Nghĩa của phát ngôn và ngữ cảnh

Trong phân tích ngôn bản hoặc diễn ngôn, ngữ cảnh quy định nghĩa của phát ngôn ở ba mức độ phân biệt với nhau. Thứ nhất, ngữ cảnh thường sẽ (nếu không nói là luôn luôn) cho biết rõ câu nào đã được nói ra. Thứ hai, nó thường sẽ làm rõ mệnh đề nào đã được thể hiện, nếu có một mệnh đề được thể hiện. Thứ ba, nó thường cho biết rõ cái mệnh đề đang xét ấy là đang được thể hiện với kiểu lực ngôn trung này chứ không phải kiểu lực ngôn trung khác. Trong tất cả ba phương diện này, ngữ cảnh có liên quan đến việc xác định cái được nói ra, theo một số nghĩa khác nhau của từ ‘nói ra’ đã được xác định trong chương trước.

Song nghĩa của phát ngôn lại vượt ra ngoài những gì thực tế được nói ra: nó cũng bao gồm cả những gì được hàm ý (hoặc tiền giả định). Ngữ cảnh có vai trò rất quan trọng đối với bộ phận nghĩa này của phát ngôn. Trong mục này, ta sẽ giới hạn sự chú ý đối với những gì được nói ra: đó là các khía cạnh tạo lời và tại lời của nghĩa phát ngôn. Thoạt tiên ta sẽ dựa trên khái niệm cảm tính hàng ngày rằng thế nào là ngữ cảnh. Từ thảo luận của ta về hành động tạo lời thì việc ngữ cảnh có thể cho ta biết câu nào đang được nói ra là một điều hiển nhiên. Như ta đã thấy, có thể thu được những hiện dạng của cùng một điển dạng-phát ngôn từ việc nói ra những câu khác nhau trong những tình huống khác nhau. Trong những trường hợp như vậy, bản thân cái phát-ngôn-thành-phẩm ấy thường sẽ lưỡng nghĩa hoặc về ngữ pháp hoặc về từ vựng (hoặc cả hai). Ví dụ, phát ngôn:

(8) They pass the port at midnight.

là lưỡng nghĩa về từ vựng. Tuy nhiên, trong một ngữ cảnh cho trước, thường ta biết rõ từ nào trong hai từ đồng âm, ‘port1’ (“cảng”) hoặc ‘port2’ (“loại vang mạnh”) đang được dùng, và cả nghĩa nào của động từ đa nghĩa ‘pass’ được nói tới. Đa nghĩa, không như đồng âm, không khiến ta phải phân biệt câu này với câu khác (theo quan điểm truyền thống về câu). Song mặc dầu vậy, nó có thể gây ra hiện tượng lưỡng nghĩa về từ vựng. Trong quan hệ với ‘port2’, thì cái nghĩa trội nhất của ‘pass’, trong hầu hết ngữ cảnh, không nghi ngờ gì nữa, chính là cái nghĩa “chuyển từ người này sang người khác”. Song dễ thấy rằng trong một ngữ cảnh thích hợp, ‘pass’ với nghĩa “đi qua” có thể kết hợp với ‘port2’, cũng dễ y hệt như nó có thể kết hợp với ‘port1’ trong những ngữ cảnh khác.

Ta không biết nội dung mệnh đề nào đang được thể hiện chừng nào ta chưa biết câu nào đang được nói ra. Hơn thế nữa, nếu câu chứa một hoặc hơn một biểu thức đa nghĩa, ta không biết chúng đang được dùng với nghĩa nào. Do đó, ngữ cảnh là một nhân tố trong việc xác định nội dung mệnh đề cho hiện dạng của những phát-ngôn-thành-phẩm cụ thể, trong những tình huống phát ngôn khác nhau. Thông thường, khi giải thuyết những phát ngôn hàng ngày, ta thao tác với thông tin ngữ cảnh ở cấp độ vô thức. Hầu hết hiện tượng lưỡng nghĩa, bất luận là về từ vựng hay ngữ pháp, đo đó được bỏ qua. Chẳng hạn, ngữ đoạn ‘the vintage port’ thường được hiểu là nói về rượu vang, còn ‘the busy port’ là nói về cảng. Tuy nhiên, dần dần, ta có ý thức về những mơ hồ như vậy, chính do niềm tin và giả định ngữ cảnh của ta khác với của người đối thoại. Ta lúc đó có thể hoặc không hiểu họ đang nói gì, phân vân giữa những cách hiểu khác nhau, hoặc hiểu phát ngôn của họ theo cái nghĩa không đúng. Khả năng thứ hai thường được khai thác bởi những người trào lộng hoặc những hài kịch gia, những người cố tình tạo ra ngữ cảnh sao cho người nghe chấp nhận, một cách vô thức, một cách hiểu đối với một phát-ngôn-thành-phẩm, và rồi, trong cái gọi là lời đùa tột đỉnh, bất thình lình hé mở cho họ thấy, với mức độ gián tiếp nào đó, rằng họ đã bị lừa.

Trong một số trường hợp thì không cần phải tạo ra cái ngữ cảnh đặc biệt cho mục đích ấy. Tính trội ngoài-ngữ-cảnh của cái sau đó được phát hiện ra là để đánh lừa sẽ đủ khả năng làm thay việc ấy. Lấy một ví dụ khá nhàm, nếu phát ngôn:

(9) Three strong girls went for a tramp (1)

được nói tiếp, sau một chỗ ngưng ngắn, bởi:

(10) The tramp died,

thì diễn viên hài kịch có thể đạt được cái hiệu quả mong muốn, một cách đơn giản nhờ vào tính trội về nghĩa ngoài-ngữ-cảnh của biểu thức ‘go for a tramp’, biểu thức này về mặt nghĩa học và cú pháp, là thiên về ‘go for a walk’ (đi dạo), ‘go for a ride’ (đi cưỡi ngựa), ‘go for a swim’ (đi bơi) v.v...

Tất nhiên, cả tính trội được xác định nhờ ngữ cảnh và tính trội ngoài-ngữ-cảnh đều được khai thác nhằm vào những mục đích nghiêm túc hơn trong văn chương, nơi người đọc rất có thể được hình dung là sẽ có hai hoặc hơn hai cách hiểu đồng thời trong đầu và hoặc sẽ phân vân giữa chúng hoặc sẽ kết hợp chúng theo một cách nào đó, nhằm tạo nên một cách hiểu phức hợp phong phú hơn. Hiện tượng lưỡng nghĩa thường được các nhà triết học và ngôn ngữ học miêu tả như thể về bản chất là phi lí (như cái gì đấy làm cản trở sự rõ ràng và chính xác). Đây là một cái nhìn rất thành kiến và không công bằng về vấn đề. Nó không chỉ thường xuyên, và sai quấy, được gắn với quan điểm rằng mọi câu đều có nghĩa chính xác và xác định; nó còn dựa trên cái giả định sai quấy không kém, rằng tính rõ ràng và việc tránh diễn đạt mơ hồ, tránh nói nước đôi bao giờ cũng đáng mong muốn, bất chấp thể loại, phong cách và ngữ cảnh. Trong mục này, hoặc bất cứ nơi nào khác trong cuốn sách này, không hề có điều gì nói về sự mơ hồ lại được hiểu với hàm ý rằng tính lưỡng nghĩa là đáng phải tránh, hoặc nên tránh, trong tất cả ngữ cảnh.

Ta hãy trở lại mức độ thứ hai của hai mức độ theo đó ngữ cảnh xác định nghĩa của phát ngôn: ta hãy chấp nhận thực tế rằng ngữ cảnh có thể làm rõ, không chỉ câu nào đang được nói ra (và, trong trường hợp câu đa nghĩa, thì với nghĩa nào), mà còn làm rõ mệnh đề nào đang được thể hiện. Trong Phần 3, tôi đã nêu sự phân biệt giữa ‘mệnh đề’ và ‘nội dung mệnh đề’, và sự phân biệt tương ứng giữa ‘quy chiếu’ và ‘biên độ quy chiếu’ (hoặc ‘tiềm năng quy chiếu’). Tôi đã chỉ ra rằng, trong khi nội dung mệnh đề của một câu và biên độ quy chiếu của các biểu thức thành tố của nó có thể được xác lập không cần viện đến ngữ cảnh phát ngôn, thì nói chung không thể xác định được mệnh đề nào đang được thể hiện, nếu không biết câu đó được nói trong ngữ cảnh nào. Bây giờ ta có thể liên hệ luận điểm này với thảo luận vừa nêu trên đây về ngôn bản và ngữ cảnh.

Như ta đã thấy, nhờ khái niệm ngữ cảnh hoá, phân đoạn I haven't có thể coi là tương ứng với bất kì câu nào trong số một tập hợp câu vô hạn. Trong ngôn bản lấy làm mẫu của ta ở (3), nó có thể được coi là sản phẩm của việc nói ra câu ‘I have not seen Mary’, vốn gồm hai biểu thức quy chiếu (tức có quy chiếu tiềm tàng) là ‘I’ (‘tôi’) và ‘Mary’. Chúng quy chiếu cái gì? Hiển nhiên, bên ngoài ngữ cảnh thì chẳng có cách nào biết được. Nếu đề xuất những giả định nào đó về việc sản sinh ngôn bản, ta có thể cho rằng người nói hoặc người viết (khái quát hơn, là tác thể tạo lời) gọi mình bằng ‘I’ và gọi một người thứ ba nào đó (tức một ai đó không phải là anh ta hay cô ta và không phải là người nghe hay người đọc) bằng ‘Mary’. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ta không thể chắc chắc cả về điều này một cách đơn giản trên cơ sở hiểu biết của ta về tiếng Anh. Có những tình huống trong đó người nói có thể gọi ai đó khác mình bằng ‘I’ (‘tôi’) (chủ yếu khi họ hành động với tư cách là người phiên dịch); và có những tình huống trong đó người ta có thể gọi người đối thoại bằng tên, chứ không phải bằng đại từ ‘you’ (‘anh/chị...’), do đó về nguyên tắc ‘Mary’ có thể được dùng để chỉ người đối thoại. Trong bất kì trường hợp nào, giả định rằng tác thể tạo lời gọi anh ta hay chị ta bằng ‘I’ và gọi ai đó khác bằng ‘Mary’ (và rằng có một mệnh đề đang được thể hiện), ta vẫn không thể nói rằng mệnh đề nào đang được thể hiện và đánh giá nó đúng hay sai nếu không biết tác thể tạo lời và Mary là ai.

Ta cũng cần biết phát ngôn được tạo ra lúc nào. Việc tác thể tạo lời dùng dạng thức hiện tại-dĩ thành haven't (seen) chứ không phải là didn't (see), hadn't (seen), don't (see) (hoặc can't (see)) có liên quan đến chân trị của cái mệnh đề mà hắn ta đang thể hiện. (Nói thêm, cũng như vậy, là cái sự thể trong hầu hết ngữ cảnh sẽ có một dẫn chiếu được ngầm hiểu về quãng thời gian theo đó biểu thức vị ngữ ‘have seen’ là đúng hay không đúng. Ví dụ, người nói có thể đã thấy Mary vào ngày hôm trước, hoặc thậm chí một thời gian ngắn trước đó, có điều vẫn cho rằng mình đã nêu một nhận định chân thực khi nói I haven't.) Trong trường hợp những phát ngôn khác, ta cần biết không chỉ thời gian mà còn cả địa điểm của phát ngôn để xác lập được mệnh đề nào đã được thể hiện. Chẳng hạn, đây là trường hợp với đơn vị ngôn bản thứ tư trong (3), vốn, không giống như đơn vị thứ hai và thứ ba, ngẫu nhiên là một câu–ngôn bản chứ không phải là một phân đoạn câu tỉnh lược:

(11) She is never been here when she should be,

here’ (‘ở đây’) thường chỉ nơi phát ngôn, do đó mệnh đề “Mary is here” (“Mary ở đây”) có thể đúng với nơi này ở những những thời điểm nào đó và sai với nơi kia ở những thời điểm khác. Những vấn đề kiểu này sẽ là mối bận tâm của ta trong Chương 10. Tạm thời, ta hãy chỉ lưu ý rằng phần lớn phát-ngôn-thành-phẩm trong hầu hết các ngôn ngữ đều ngầm ẩn, nếu không phải là hiển minh, mang tính chỉ biệt (indexical) hoặc trực chỉ (deictic), do đó chúng biểu thị những mệnh đề khác nhau tuỳ thuộc vào cái ngữ cảnh trong đó chúng được tạo ra. Luận điểm này đã được đề cập ở Chương 7, liên quan đến việc xử lí nghĩa của câu trong nghĩa học (ngữ nghĩa học) hình thức.

Cuối cùng, ta bàn đến việc xác định lực ngôn trung theo ngữ cảnh. Như ta đã thấy trong chương trước, cùng một cấu có thể được nói ra trong nhiều tình huống khác nhau với những kiểu lực ngôn trung khác nhau. Ví dụ:

(12) ‘I will give you £5’
(Tôi sẽ gửi anh 5 bảng)

có thể được nói ra như một lời hứa hoặc một dự báo. Hoặc:

(13) ‘Sit down’
(Ngồi xuống)

có thể được nói ra, theo cái thường được coi là cách dùng đặc trưng nhất của nó, như là một yêu cầu hay mệnh lệnh; nó cũng có thể dùng để cho phép người nghe được ngồi. Thường thường, chứ không phải là luôn luôn, điệu hình ngôn điệu (tức trọng âm và ngữ điệu) sẽ báo cho người nghe biết rằng phát ngôn là có lực ngôn trung này chứ không phải lực ngôn trung kia. Song bất luận điều đó có được thể hiện bằng ngôn điệu hay không (trong trường hợp nói ra thành tiếng) thì thường ngữ cảnh cũng cho biết rõ là kiểu lực hành động tại lời nào đang được thể hiện. Chẳng hạn, thường thì ta biết rõ người nói có thẩm quyền để ra lệnh cho người nghe ngồi xuống hay cho phép họ làm việc ấy hay không.

Thực tế, phần lớn hoạt động ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta tích hợp chặt chẽ với các kiểu hành vi và hoạt động xã hội khác đến nỗi sự xuất hiện của một phát ngôn với một lực ngôn trung cụ thể thường có thể đoán trước, căn cứ vào cái tình huống có thể xác định được về mặt xã hội mà trong đó phát ngôn hiện diện. Lấy ví dụ, ta thường không ngồi vào ghế trong nhà hoặc trong văn phòng người khác nếu không được mời ngồi. Mặt khác, trong hầu hết tình huống (ghé thăm người hàng xóm mới, đến gặp viên quản lí ngân hàng về số tiền rút quá mức cho phép v.v...) chúng ta và người đối thoại đều biết rõ rằng tại một thời điểm nào đó trong cuộc thoại, một lời mời kiểu như vậy sẽ được đưa ra. Như thế, ngay từ những nguyên tắc đạo lí đầu tiên, người nghe không buộc phải cân nhắc và xác định lực ngôn trung của phát ngôn Sit down, dựa vào ý nghĩa của câu ‘Sit down’ và sự đánh giá của họ đối với động cơ của người nói khi hắn nói ra điều hắn nói. Bản thân tình huống đã khiến người nói thiên về chờ đợi hoặc chính cái phát-ngôn-thành-phẩm này hoặc cái phát-ngôn-thành-phẩm khác với cùng một lực ngôn trung (Won't you sit down? Why don't you take a seat? v.v.). Người ta ngờ rằng hầu hết cái gọi là hành động ngôn từ gián tiếp, thuộc loại được đề cập trong chương trước, có thể được giải thích theo lối này. Ở bất kì mức độ nào cũng có thể không nghi ngờ gì rằng, trong nhiều trường hợp, lực ngôn trung của một phát ngôn được xác định một cách rõ ràng bởi cái ngữ cảnh trong đó nó xuất hiện.

Thế thì, tóm lại, ngữ cảnh xác định nghĩa của phát ngôn ở ba mức độ phân biệt nhau trong phân tích ngôn bản. Tôi vẫn chưa nói ngôn bản là gì và nó được xử lí như thế nào về phương diện lí thuyết; ta sẽ bàn đến điều này ngay sau đây. Tuy nhiên, từ những gì đã nói trong mục này, rõ ràng rằng ngữ cảnh của phát ngôn sẽ bao gồm không chỉ cái đồng văn cảnh (co-text) liên quan (tức cái ngôn bản chung quanh có liên quan), mà còn cả các đặc trưng có liên quan của tình huống phát ngôn. Như ta sẽ thấy sau đây, cái thỉnh thoảng vẫn được dẫn ra như là ngữ cảnh của tình huống (context of situation) có thể được, và nên được định nghĩa theo một cách thức sao cho định nghĩa đó bao gộp được mọi thứ trong cái văn cảnh, có liên quan đến vấn đề về liên kết, mạch lạc và quan yếu.
(1) Phát ngôn này có hai cách hiu:
a) Ba cô gái khoẻ mạnh thực hiện một chuyến đi bộ dài ngày.
b) Ba cô gái khoẻ mạnh đi mời một người lang thang.
Chính cái nghĩa ở a) là cái nghĩa gây cười khi phát ngôn này được nói tiếp theo bởi (10) – Chú thích của người dịch.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn những chia sẻ khá cơ bản của bạn, qua đây mình cũng muốn chia sẻ đến bạn và mọi người địa chỉ cung cấp DV phiên dịch, dịch thuật đa ngôn ngữ, đa ngành nghề trên toàn quốc. Công Ty Phiên Dịch - Dịch Thuật A2Z, đơn vị cung cấp DV phiên dịch, dịch thuật số 1 tại Việt Nam. VỚi DV nhanh chóng, uy tín, chất lượng, điểm lợi khi khách hàng sử dụng DV phiên dịch, dịch thuật tại A2Z: tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, hoàn phí khi có lỗi từ DV. Tham khảo chi tiết các ngôn ngữ phiên dịch: Phiên dịch tiếng anh, Phiên dịch tiếng đức, Phiên dịch tiếng pháp, Phiên dịch tiếng Nga, Phiên dịch tiếng Nhật, Phiên dịch tiếng Hàn, Phiên dịch tiếng Trung ........

    Trả lờiXóa