Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (2)
1.2. Siêu ngôn ngữ của ngữ nghĩa học
Ta có thể tiếp tục dành nhiều thời gian để nêu ra và thảo
luận những ví dụ về những nghĩa khác nhau của từ ‘nghĩa’ trong mục trước. Nếu
ta làm như vậy và sau đó cố gắng dịch tất cả các ví dụ của ta sang các ngôn ngữ
tự nhiên khác (tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga...) ta sẽ chóng đi đến chỗ đánh
giá hiệu lực của một trong những luận điểm được nêu ra ở đây, rằng ‘meaning’
(và động từ mà từ đó nó được phái sinh) là một từ tiếng Anh không có từ tương ứng
chính xác trong các ngôn ngữ gần gũi khác. Ta cũng sẽ thấy rằng có nhiều ngữ cảnh
trong đó danh từ ‘meaning’ và động từ ‘có nghĩa, có ý’ (‘mean’) là không tương ứng
với nhau. Nhưng đây không phải là một biệt lệ của tiếng Anh hoặc của hai từ
này. Như sau này ta sẽ thấy, phần lớn các từ hoặc biểu thức (cụm từ) ngôn ngữ tự
nhiên được dùng hàng ngày, không mang tính chuyên môn, đều giống với danh từ
‘nghĩa’ và động từ ‘có nghĩa, có ý’ ở chỗ chúng có một vài nghĩa vốn không có
cách nào phân biệt với nhau một cách rõ ràng (hoặc giả là một loạt nghĩa trong
đó một vài khác biệt có thể được chỉ ra) và các nghĩa này có thể khá là mơ hồ
hoặc không xác định. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà ta phải thực
thi trong suốt cuốn sách này là trang bị cho ta một vốn thuật ngữ chuyên môn
chính xác và không mơ hồ, ở mức cao nhất có thể được.
Để thực hiện điều đó, ta sẽ xây dựng cái mà các nhà ngữ
nghĩa học gọi là siêu ngôn ngữ (metalanguage); tức là một ngôn ngữ dùng để miêu
tả ngôn ngữ. Hiện nay, các nhà nghĩa học triết lí đều nhất trí một điều là các
ngôn ngữ tự nhiên (đối lập với những ngôn ngữ hình thức, phi tự nhiên hoặc nhân
tạo) đều chứa đựng siêu ngôn ngữ của riêng chúng: chúng có thể được dùng để
miêu tả không những các ngôn ngữ khác (và ngôn ngữ nói chung) mà còn cả bản
thân chúng. Cái đặc tính theo đó một ngôn ngữ có thể được dùng để nói về chính
bản thân nó (toàn bộ hoặc một phần) sẽ được tôi gọi là tính phản thân
(reflexivity). Những rắc rối triết học có thể nảy sinh từ tính phản thân kiểu
này sẽ không thuộc vào số những vấn đề mà ta quan tâm trực tiếp ở đây. Song, có
một số phương diện khác thuộc về tính phản thân, và chung hơn là thuộc về chức
năng siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ tự nhiên, cần được xem xét.
Siêu ngôn ngữ mà ta đã sử dụng đến bây giờ và sẽ tiếp tục
sử dụng suốt trong sách này là tiếng Anh: chính xác hơn, nó chính là tiếng Anh
Chuẩn (Standard English) ít nhiều mang tính thông thường (nhưng không phải
thông tục) (vốn phân biệt với các loại tiếng Anh khác theo nhiều khác khác
nhau). Những khi tôi dùng thuật ngữ ‘tiếng Anh’ không kèm theo bất kì định ngữ
nào thì đấy chính là cái ngôn ngữ (hoặc phương ngữ) mà tôi muốn nói tới. Tiếng
Anh thông thường (tiếng Anh Chuẩn) dĩ nhiên không phải là hoàn toàn đồng nhất
trên phạm vi toàn thế giới hoặc xuyên suốt các nhóm xã hội ở các nước hoặc khu
vực nói tiếng Anh, song những khác biệt trong từ vựng và cấu trúc ngữ pháp như
đã tồn tại giữa một biến thể của tiếng Anh Chuẩn (British, American, Australian
v.v...) với các biến thể khác là không quan trọng lắm trong bối cảnh những gì
trình bày ở đây và sẽ không gây ra vấn đề.
Ta vừa chấp nhận một cách hiển ngôn tiếng Anh với tư cách
là siêu ngôn ngữ của ta. Nhưng nếu ta nhằm đến một sự chính xác và rõ ràng thì,
tiếng Anh, cũng như các ngôn ngữ tự nhiên khác, không thể được dùng như siêu
ngôn ngữ để làm việc nếu không có sự điều chỉnh. Trong chừng mực ta quan tâm đến
vốn từ vựng được dùng với mục đích siêu ngôn ngữ của các ngôn ngữ tự nhiên, có
hai loại điều chỉnh là khả dĩ: đặt quy định (regimentation) và mở rộng
(extension). Ta có thể dùng các từ hàng ngày như ‘ngôn ngữ’, ‘câu’, ‘từ’,
‘nghĩa’ hoặc ‘nghĩa hệ thống’ và bắt chúng tuân thủ một sự quy định chặt chẽ (tức
quy định (regiment) việc sử dụng chúng), định nghĩa chúng hoặc tái định nghĩa
chúng phù hợp với mục đích của chúng ta (cũng giống như các nhà vật lí định
nghĩa lại các khái niệm ‘lực’, ‘năng lượng’ theo những mục đích riêng của họ).
Hoặc giả, ta có thể mở rộng (extend) vốn từ vựng hàng ngày bằng cách thêm vào
những từ chuyên môn, vốn thường không được dùng trong diễn ngôn hàng ngày.
Trong mục trước, ta đã có nhận xét rằng, từ ‘meaning’
(nghĩa) của tiếng Anh hàng ngày có một loạt nghĩa khác biệt nhau, nhưng có quan
hệ với nhau. Ở điểm này, ta có thể làm như các nhà ngữ nghĩa học tiếng Anh đã
làm hiện nay: ta có thể đặt quy định (regiment) cho việc dùng từ ‘nghĩa’ bằng
cách cố ý quy cho nó một nghĩa hẹp hơn, chuyên môn hơn so với nghĩa của nó
trong đời sống hàng ngày. Rồi sau đó ta có thể dùng cái định nghĩa hẹp, có tính
chuyên môn của từ ‘nghĩa’ này để giới hạn lại phạm vi của nghĩa học, chỉ để chỉ
bộ phận thường được truyền thống ngôn ngữ học, triết học và các khoa học khác gọi
là ‘nghĩa học’. Trong cuốn sách này, chúng ta chọn giải pháp khác. Ta sẽ tiếp tục
dùng cả danh từ ‘nghĩa’ và động từ ‘có nghĩa, có ý’ như là những từ
không-chuyên-môn, với đầy đủ những nghĩa (hoặc nghĩa hệ thống) hàng ngày của
chúng. Và tạm thời chúng ta sẽ tiếp tục thao tác với cái định nghĩa rộng tương ứng
về ‘nghĩa học’; tức là cho đến khi được định nghĩa lại, nghĩa học vẫn được
chúng ta tiếp tục xem là khoa học nghiên cứu về nghĩa. Tuy nhiên, cũng nên nhắc
lại rằng hiện nay, một số tác giả đã chấp nhận định nghĩa có phần hẹp hơn về
‘nghĩa học’, dựa trên một sự quy định về cách dùng từ ‘nghĩa’ (hoặc một trong số
các từ tương đương của nó) trong các ngôn ngữ khác. Tôi sẽ trở lại điểm này sau
(xem mục 1.6).
Mặc dù từ ‘nghĩa’ của ngôn ngữ hàng ngày vẫn được giữ lại
mà không cần định nghĩa lại trong siêu ngôn ngữ mà chúng ta đang xác lập, một
vài biểu thức ngôn ngữ phức hợp, có chứa từ ‘nghĩa’ sẽ được nêu ra và được định
nghĩa khi chúng ta xử lí các vấn đề, và sau đó sẽ được dùng với tư cách là thuật
ngữ chuyên môn. Ví dụ, ở đoạn sau của chương này, sẽ có sự phân biệt, một mặt,
giữa nghĩa mệnh đề (propositional meaning) và nghĩa phi mệnh đề
(non-propositional meaning) và mặt khác, giữa nghĩa câu (sentence-meaning) và
nghĩa phát ngôn (utterance-meaning); những khác biệt này, cùng với những khác
biệt khác, tất sẽ liên quan đến sự phân biệt hiện đang được thừa nhận khá rộng
rãi giữa ngữ nghĩa học (theo nghĩa hẹp) và ngữ dụng học. Trong Chương 3, nghĩa
hệ thống (sense) và sở thị (denotation) sẽ được phân biệt với tư cách là những
bình diện hoặc chiều kích phụ thuộc nhau thuộc về nghĩa của từ và ngữ đoạn. Quy
chiếu (reference) sẽ được phân biệt với sở thị (denotation), thoạt tiên ở Chương
3 và sau đó, chi tiết hơn, ở Chương 10. Một lần nữa cần nhắc lại rằng, ba từ
này (đặc biệt là từ ‘nghĩa hệ thống’) sẽ được dùng một cách phi kĩ thuật cho đến
khi được định nghĩa hoặc định nghĩa lại một cách chính thức. Tình hình cũng tương
tự đối với tất cả các từ và biểu thức khác của tiếng Anh thường ngày (bao gồm
những danh từ ‘ngôn ngữ’, ‘lời nói’ và các động từ có liên quan về nghĩa như
‘nói’, ‘phát ngôn’, là những từ sẽ được xem xét chi tiết hơn ở mục 1.4).
Như sẽ được giải thích trong chương sau, trong những năm
gần đây, các nhà ngôn ngữ học và lô gic học đã xây dựng những siêu ngôn ngữ phi
tự nhiên (non-natural) khác nhau, mang tính hình thức hoá (formalized) cao
(nghĩa là mang tính chính xác toán học) để có thể miêu tả các ngôn ngữ tự nhiên
ở mức độ chính xác nhất có thể được. Trong cuốn sách này, điều quan trọng đối với
ta là thấy được mối quan hệ giữa các siêu ngôn ngữ hình thức, phi tự nhiên của
nghĩa học lô gic và thứ siêu ngôn ngữ, ít nhiều mang tính thông thường, được
quy định và mở rộng mà ta đang sử dụng. Ngôn ngữ nào, nếu có thể nói như vậy,
là ngôn ngữ cơ bản hơn? Và trong ngữ cảnh như vậy thì ‘cơ bản’ có nghĩa là gì?
Tất nhiên, đó là thứ tiếng Anh viết mà ta đang sử dụng với
tư cách là siêu ngôn ngữ, và ta đang dùng nó để chỉ cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ
viết, cũng như (trong trường hợp thích hợp) để chỉ các ngôn ngữ và các phát
ngôn-ngôn ngữ được trừu xuất độc lập khỏi cái phương tiện (medium) mà chúng được
hiện thực hoá. Trong quy định của ta về việc dùng tiếng Anh viết thông thường
làm siêu ngôn ngữ, cần xác lập một số quy ước trình bày giúp ta có thể biểu thị
chính xác những đơn vị ngôn ngữ học khác nhau. Những quy ước trình bày ít nhiều
mang tính tầm thường như thế, như được sử dụng với tính cách siêu ngôn ngữ
trong sách này (in nghiêng, dấu trích dẫn v.v...), sẽ được giới thiệu chính thức
ở mục 1.5 (xin xem bảng kí hiệu và quy ước chữ viết ở trang xvii).
Trong chừng mực ngôn ngữ nói hàng ngày được dùng làm siêu
ngôn ngữ, sẽ tồn tại một số quy luật và quy ước mà tất cả những người bản ngữ đều
tuân theo, không cần phải học và không cần phải bận tâm. Nhưng chúng không phải
hoàn toàn được pháp điển hoá và không thể ngăn ngừa được sự hiểu lầm trong tất
cả ngữ cảnh. Các nhà ngữ âm học đã phát triển những hệ thống quy ước trình bày
với độ chính xác cao về các phát ngôn được nói ra. Tuy nhiên, trong cách dùng
phi thuật ngữ của tiếng Anh hàng ngày (và các ngôn ngữ tự nhiên khác), không có
những hình thức trình bày dưới dạng viết, được quy ước chấp thuận, về ngữ điệu,
nhịp, điểm nhấn và các đặc trưng phi ngôn ngữ khác, vốn là một bộ phận thông thường
và cơ hữu của lời nói. Như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, những đặc trưng như vậy
mang nhiều chức năng giao tiếp và biểu lộ.
Ở đây, tôi muốn lưu ý là chúng cũng có thể thực hiện chức
năng siêu ngôn ngữ. Ví dụ, câu:
(7) John said it was raining
(John nói trời đang mưa)
có thể được nói ra theo nhiều cách. Đặc biệt, nó có thể được
phát ngôn ra với một sự chuyển tiếp đặc trưng về điệu tính giữa said và it, mà
trong lời nói sẽ thể hiện sự khác biệt được quy ước trong ngôn ngữ viết giữa:
(8) John said [that] it was raining
và
(9) John said, "It was raining".
Trong trường hợp này, có một quy ước ít nhiều được thừa
nhận chung, là việc sử dụng các dấu trích dẫn để phân biệt lời nói trực tiếp với
lời nói gián tiếp trong tiếng Anh viết. Thế nhưng cũng có những khả năng lựa chọn
khác được thừa nhận đối với việc sử dụng dấu trích dẫn. Và thậm chí khi các dấu
trích dẫn được dùng thì những quy ước sử dụng chúng không phải là đã được pháp
điển hoá hoàn toàn hoặc được mọi người thừa nhận, ví dụ các tác giả và nhà in
khác nhau có những quy định riêng của họ đối với việc dùng các dấu trích đơn và
kép. Như tôi đã nói, quy ước riêng của tôi về việc dùng các dấu trích đơn và
kép với tính chất siêu ngôn ngữ (và cả việc dùng các chữ in nghiêng) sẽ được giải
thích trong một mục sau (mục 1.5).
Có nhiều nhận định, dùng ngôn ngữ hàng ngày làm siêu ngôn
ngữ, là không mơ hồ khi được nói ra, nhưng không hẳn như vậy nếu được viết ra.
Ngược lại, bởi lẽ trong lời nói bình thường không có gì tương ứng một-đối-một với
các dấu chấm câu và các dấu hiệu trình bày riêng(diacritics) của ngôn ngữ viết
(gạch chân, in nghiêng hoặc in đậm để nhấn mạnh, dấu trích dẫn, viết hoa
v.v...) nên có những nhận định, dùng ngôn ngữ hàng ngày làm siêu ngôn ngữ, là
không mơ hồ khi viết ra nhưng lại có thể mơ hồ khi nói ra. Ví dụ:
(10) I can't stand Sebastian
khác với
(11) I can't stand ‘Sebastian’
ở chỗ (10) có thể được hiểu như là nhận định về một người
ngẫu nhiên có tên là ‘Sebastian’, còn (11) như là nhận định về chính cái tên
‘Sebastian’ đó (tức “Tôi không thể chịu được cái tên gọi Sebastian” – ND). Tuy
nhiên, sự sử dụng quy ước về các dấu trích dẫn nhằm vào những mục đích như vậy
trong tiếng Anh viết hàng ngày không phải là bắt buộc. Và như ta sẽ thấy ngay
sau đây, sự sử dụng đó cần có những quy định thật chặt chẽ nếu ta muốn nó hành
chức như là một bộ phận thuộc siêu ngôn ngữ của ngữ nghĩa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét