Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 2: Từ với tư cách là đơn vị mang nghĩa (3)
2.3. Đồng nghĩa
Những biểu thức có cùng nghĩa là những biểu thức đồng
nghĩa (synonymous). Có hai điểm cần lưu ý về định nghĩa này. Thứ nhất, nó không
giới hạn quan hệ đồng nghĩa trong phạm vi từ vị: nó tính đến cái khả năng những
biểu thức đơn giản về từ vựng có thể có cùng nghĩa với những biểu thức phức hợp
về từ vựng. Thứ hai, nó cho rằng sự đồng nhất về nghĩa, chứ không phải chỉ là sự
giống nhau, là tiêu chí của đồng nghĩa.
Xét ở cái khía cạnh thứ hai này, nó khác với cái định
nghĩa về đồng nghĩa, được thấy trong nhiều từ điển thông thường và là định
nghĩa mà bản thân các nhà làm từ điển vẫn thao tác lâu nay. Nhiều biểu thức được
liệt kê như là đồng nghĩa trong từ điển thông thường hay chuyên biệt (bao gồm
Roget's Thesaurus và những từ điển đồng nghĩa và trái nghĩa khác) là những gì
có thể được gọi là các từ gần nghĩa (near-synonyms): đó là những biểu thức ít
nhiều giống nhau, song không đồng nhất, về nghĩa. Hiện tượng gần nghĩa, như ta
sẽ thấy, không nhầm lẫn với những kiểu khác nhau của cái mà tôi sẽ gọi là đồng
nghĩa không hoàn toàn (partial synonymy), vốn đáp ứng tiêu chí đồng nhất về
nghĩa, song vì những lí do khác nhau, không đáp ứng những điều kiện của những
gì thường được nêu ra như là đồng nghĩa hoàn toàn. Những ví dụ điển hình về từ
gần nghĩa trong tiếng Anh là ‘mist’ và ‘fog’, ‘stream’ và ‘brook’, ‘dive’ và
‘plunge’.
Bây giờ cho phép tôi giới thiệu khái niệm đồng nghĩa hoàn
toàn (absolute synonymy), đối lập không chỉ với khái niệm gần nghĩa, mà còn với
cái khái niệm rộng hơn về đồng nghĩa, vừa được định nghĩa, vốn bao trùm cả đồng
nghĩa hoàn toàn lẫn không hoàn toàn (tức là không tuyệt đối). Có một điều gần
như là sự thật hiển nhiên : hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn là cực kì hiếm gặp
(ít nhất với tư cách là mối quan hệ giữa các từ vị) trong ngôn ngữ tự nhiên. (Tất
nhiên, nó sẽ không hiếm, với tư cách là quan hệ giữa các biểu thức phức hợp về
từ vựng). Hai (hoặc hơn hai) biểu thức là đồng nghĩa hoàn toàn với nhau, nếu và
chỉ nếu chúng thoả mãn ba điều kiện sau đây:
(i) tất cả nghĩa của chúng đều đồng nhất;
(ii) chúng là đồng nghĩa trong tất cả ngữ cảnh;
(iii) chúng tương đương về nghĩa (tức nghĩa hay các nghĩa
của chúng đồng nhất) trong tất cả chiều kích của nghĩa, miêu tả và phi miêu tả.
Mặc dù một hoặc hơn một trong số những điều kiện này thường
được đề cập trong văn liệu, khi thảo luận về đồng nghĩa hoàn toàn, người ta ít
khi chỉ ra rằng chúng độc lập với nhau về phương diện lô gic; và đồng nghĩa
không tuyệt đối, hay không hoàn toàn, không phải bao giờ cũng phân biệt rõ ràng
với hiện tượng gần nghĩa.
Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc:
(a) không lẫn lộn hiện tượng gần nghĩa với đồng nghĩa không hoàn toàn; (b)
không cho rằng việc không thoả mãn một trong những điều kiện đồng nghĩa hoàn
toàn sẽ tất yếu dẫn đến việc không thoả mãn một điều kiện nào đó hoặc cả hai điều
kiện còn lại. Ta hãy lần lượt xét từng điều kiện của hiện tượng đồng nghĩa hoàn
toàn.
Những từ điển thông thường tiếng Anh cho các tính từ
‘big’ và ‘large’ là những từ đa nghĩa (mặc dù chúng khác nhau xét về số lượng
nghĩa được gán cho mỗi từ). Theo một trong những nghĩa của chúng, minh hoạ qua
ví dụ:
(13) ‘They live in a big/large house’
(Họ sống trong một ngôi nhà lớn/rộng)
hai từ này thường được xem là đồng nghĩa. Tuy nhiên, dễ
dàng chỉ ra rằng ‘big’ và ‘large’ không đồng nghĩa trong tất cả các nghĩa của
chúng, tức chúng không thoả mãn được điều kiện (i) và do đó chỉ là đồng nghĩa bộ
phận, không hoàn toàn. Câu sau đây:
(14) ‘I will tell my big sister’
(Tôi sẽ kể cho chị tôi/ Tôi sẽ kể cho bà chị/cô em to béo
của tôi)
là lưỡng nghĩa về mặt từ vựng, do tính đa nghĩa của từ
‘big’, theo một cách thức mà:
(15) ‘I will tell my large sister’
(Tôi sẽ kể cho bà chị/cô em to béo của tôi)
lại không. Tất cả ba câu này đều đúng ngữ pháp và có thể
hiểu được. Chúng cho thấy rằng, ít nhất, ‘big’ có một nghĩa không chia sẻ với
‘large’. Có nhiều ví dụ như vậy về những từ vị đa nghĩa, những từ vị đồng nghĩa
chỉ theo một hoặc hơn một nghĩa, chứ không phải theo tất cả các nghĩa của
chúng.
Ta hãy chuyển sang điều kiện (ii). Vấn đề tranh cãi ở đây
là tầm kết hợp (collocational range) của một biểu thức, tức cái tập hợp ngữ cảnh
trong đó biểu thức đó có thể xuất hiện (kết hợp thường thấy (collocations) của
nó). Có thể nghĩ rằng tầm kết hợp của một biểu thức hoàn toàn bị nghĩa của nó
quy định, vì vậy các từ đồng nghĩa tất nhiên phải có cùng một tầm kết hợp. Song
có vẻ không phải như vậy. Một lần nữa, ‘big’ và ‘large’ sẽ được lấy làm ví dụ.
Có nhiều ngữ cảnh trong đó ‘large’ không thể thay thế cho ‘big’ (theo cái nghĩa
mà ‘big’ chia sẻ với ‘large’) mà không vi phạm các giới hạn kết hợp của từ này
hay từ kia. Ví dụ, ‘large’ không thể hoán vị với ‘big’ trong câu:
(16) ‘You are making a big mistake’.
(Anh/chị đang phạm phải một sai lầm lớn)
Câu:
(17) ‘You are making a large mistake’
rõ ràng là một câu không những đúng về ngữ pháp, mà còn
có nghĩa nữa. Tuy nhiên, nó lại bất khả chấp xét về tầm kết hợp, hoặc không
đúng với cách nói của người bản ngữ. Có điều trong câu (16), ‘big’ có vẻ có
cùng cái nghĩa như cái nghĩa mà nó thể hiện trong những ngữ đoạn kiểu ‘a big
house’, là ngữ đoạn mà ta có thể, như ta đã thấy, thay thế bằng ‘a large
house’.
Có lí do thôi thúc ta lập luận rằng, trong những trường hợp
như vậy, chắc chắc có một sự khác biệt tinh tế nào đó về nghĩa từ vựng giải
thích cho những khác biệt về tầm kết hợp, như vậy vấn đề ở đây không phải là đồng
nghĩa, mà là gần nghĩa. Chắc rằng, thông thường thì những khác biệt về tầm kết
hợp đều có thể được giải thích thoả đáng dựa trên những khác biệt về nghĩa có
thể được xác định một cách độc lập. Song không phải bao giờ cũng như vậy. Do
đó, ta phải cẩn thận để không cho rằng tầm kết hợp của một từ vị là có thể dự
đoán được căn cứ vào nghĩa của nó. Trong thực tế, có những trường hợp có thể lập
luận rằng các kết hợp thường thấy của một từ vị là một phần nghĩa của nó. Đáng
tiếc đây lại là một trong nhiều khía cạnh của ngữ nghĩa học từ vựng mà ta không
thể xem xét trong cuốn sách này.
Điều kiện thứ ba trong số những điều kiện của đồng nghĩa
hoàn toàn được nêu trên đây là sự đồng nhất trong tất cả chiều kích ngữ nghĩa.
Chiều kích được thừa nhận rộng rãi nhất có liên quan đến điều kiện này chính là
nghĩa miêu tả (hay nghĩa mệnh đề) (xin xem mục 1.7). Thực tế, nhiều lí thuyết
nghĩa học sẽ giới hạn khái niệm đồng nghĩa trong cái mà tôi sẽ gọi là đồng
nghĩa miêu tả (descriptive synonymy), tức sự đồng nhất về nghĩa miêu tả. Chính
xác thì đồng nhất về nghĩa miêu tả nghĩa là gì sẽ là vấn đề được bàn đến trong
Phần 3. Tạm thời, chỉ cần nói rằng hai biểu thức có cùng nghĩa miêu tả (tức
chúng là đồng nghĩa miêu tả) nếu, và chỉ nếu, những mệnh đề chứa biểu thức này
sẽ tất yếu hàm ý những mệnh đề tương đương chứa biểu thức kia, và ngược lại. Vận
dụng tiêu chí này (tiêu chí sẽ được tái lập thức trong Phần 3 dựa trên sự tương
đương về hàm chân trị của câu), ‘big’ và ‘large’ là đồng nghĩa miêu tả (theo một
trong những ý nghĩa của chúng và với một phạm vi ngữ cảnh nào đó). Ví dụ, người
ta không thể không mâu thuẫn khi đồng thời xác nhận rằng ai đó sống trong một
ngôi nhà lớn nhưng lại phủ nhận rằng người đó sống trong một ngôi nhà rộng.
Một trong những ví dụ kinh điển của đồng nghĩa miêu tả là
mối quan hệ được thừa nhận (hoăc có thể, từng được thừa nhận) trong tiếng Anh
giữa từ ‘bachelor’ (người độc thân) (theo một trong những nghĩa của từ‘bachelor’)
và ‘unmarried man’ (người đàn ông chưa lập gia đình). (Hiện nay có người phủ nhận
hai biểu thức này là đồng nghĩa miêu tả, lấy lí do rằng một người đàn ông đã li
dị, dù chưa lập gia đình (lại), vẫn không phải là người độc thân. Quan điểm này
có thể gây tranh cãi; và bởi vì nó có thể được khai thác cho những mục đích lí
thuyết chung hơn nên tôi sẽ trở lại với nó trong một chương tiếp theo. Song cái
nguyên tắc mà ví dụ này có ý minh hoạ thì là khá rõ). Trong trường hợp này, người
ta kiểm chứng hiện tượng đồng nghĩa miêu tả bằng cách tìm hiểu xem liệu ai đó được
miêu tả chân thật, hoặc miêu tả đúng đắn, là người độc thân sẽ có thể được miêu
tả chân thật như là người đàn ông chưa lập gia đình hay không, và ngược lại. Rất
có thể đối với một số người thì những biểu thức này là đồng nghĩa, đối với một
số người khác chúng là không đồng nghĩa, và đối với nhóm người thứ ba thì tình
hình là không rõ. (Những ai cho rằng biểu thức ‘chưa lập gia đình’ không đơn giản
chỉ có nghĩa là “không lập gia đình” mà là “chưa bao giờ lập gia đình”, và rằng
biểu thức này không thể áp dụng đúng cho những người đã li dị- cùng với những
ai, nếu có, vốn dễ dàng áp dụng cả biểu thức ‘người độc thân’ lẫn biểu thức ‘chưa
lập gia đình’ cho người đã li dị – sẽ dễ dàng xử lí ‘người độc thân’ và ‘người
đàn ông chưa lập gia đình’ như là những biểu thức đồng nghĩa miêu tả.)
Khi bàn đến nghĩa biểu lộ (expressive meaning) (hoặc biểu
lộ-xã hội) – đây là loại nghĩa phi miêu tả duy nhất mà ta khảo sát ở đây ‐ thì chẳng có tiêu chí thật sự dùng được và
tương đối khách quan nào cho phép ta phân xử được sự đồng nhất với sự khác biệt.
Song, tuy vậy, trong những trường hợp cụ thể, vẫn có thể xác quyết được rằng
hai hoặc hơn hai biểu thức đồng nghĩa miêu tả là khác nhau xét theo mức độ hoặc
bản chất nghĩa biểu lộ của chúng. Ví dụ, về mặt cảm tính rõ ràng một tập hợp
toàn bộ những từ gồm ‘huge’ (khổng lồ, to lớn, đồ sộ),
‘enormous’(khổng lồ, to lớn), ‘gigantic’ (khổng lồ, đồ sộ) và ‘colossal’ (khổng
lồ, to lớn) thì biểu lộ tình cảm của người nói đối với những gì chúng miêu tả
nhiều hơn so với ‘very big’ (rất to) hoặc ‘very large’ (rất lớn), vốn có lẽ là
những đồng nghĩa miêu tả của chúng. Việc so sánh ‘huge’, ‘enormous’, ‘gigantic’
và ‘colossal’ trong nội bộ của chúng theo mức độ của tính biểu lộ thì khó khăn
hơn. Song người nói có thể có những cảm nhận rõ nét về hai hoặc hơn hai từ
trong số này; và về nguyên tắc, vấn đề này có thể xác định được thông qua những
trắc nghiệm tâm lí học tương đối khách quan.
Đối với những biểu thức phân biệt nhau về bản chất nghĩa
biểu lộ của chúng, sự phân biệt rõ ràng nhất là giữa những biểu thức hàm ý tán
thành hoặc không tán thành với những biểu thức trung tính xét về phương diện biểu
lộ. Giáo trình ngữ nghĩa học đầy rẫy những ví dụ kiểu như ‘stateman’ đối lập với
‘politician’, ‘thrifty’ đối lập với ‘mean’, ‘stingy’ đối lập với ‘economical’,
‘stink’ đối lập với ‘stench’ đối lập với ‘fragrant’ đối lập với ‘smell’,
crafty’ đối lập với ‘cuning’ đối lập với ‘skillful’ đối lập với ‘clever’ v.v...
Trong nhiều trường hợp, việc một biểu thức hàm ý tán thành hay không tán thành
là dễ lĩnh hội hơn rất nhiều so với nghĩa miêu tả của nó (nếu nó có bất kì cái
nghĩa tán thành hay không tán thành nào). Điều này là đúng, chẳng hạn, đối với
những từ như ‘bitch’ (đồ chó đẻ) hoặc ‘swine’ (đồ tham ăn tục uống) được sử dụng
theo cái nội dung có thời đã là nghĩa ẩn dụ của chúng, song có lẽ đã không còn
nữa đối với hầu hết người nói tiếng Anh. Với những điều kiện nào thì người ta
có thể miêu tả một cách đúng đắn ai đó là đồ chó đẻ hoặc đồ tam ăn tục uống?
Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn rằng thành tố nghĩa biểu lộ, chứ
không phải thành tố nghĩa miêu tả, là thành tố nổi trội.
Phần lớn các từ vị được dùng hàng ngày đều có nghĩa miêu
tả lẫn nghĩa biểu lộ. Quả thật, như một số nhà triết học ngôn ngữ đã chỉ ra khi
xét vốn từ vựng chứa những nhận định về đạo đức và thẩm mĩ, rằng đôi khi, thậm
chí là về lí thuyết, có thể không tài nào tách biệt nghĩa miêu tả ra khỏi nghĩa
biểu lộ. Tuy nhiên, có thể là, việc nhận biết nghĩa biểu lộ (hoặc biểu lộ-xã hội)
của một từ vị cũng thuộc cái thẩm năng ngôn ngữ của con người, ngang với việc
nhận biết nghĩa miêu tả của nó. Luận điểm này cần được thường xuyên ghi nhớ
trong suốt cuốn sách này, cho dù ta hầu như chỉ quan tâm độc một loại nghĩa
miêu tả khi thảo luận về cấu trúc từ vựng ở Chương 3 và trong một vài chương tiếp
theo.
Hiện tượng đồng nghĩa đã được thảo luận và minh hoạ một
cách phong phú từ nhiều quan điểm, không chỉ trong những công trình theo đúng
nghĩa là dành cho ngữ nghĩa học, mà còn cả trong những giáo trình về phong cách
học, tu từ và phê bình văn học. Mục đích chính của tôi, trong sự trình bày ngắn
gọn được nêu ra ở đây, là nhấn mạnh vào tầm quan trọng lí thuyết của việc phân
biệt một số loại thuộc hiện tượng đồng nghĩa không hoàn toàn, hoặc không tuyệt
đối với nhau và với hiện tượng gần nghĩa. Khi làm như vậy, tôi đã buộc phải che
đậy một số khó khăn và phức tạp mà một sự thảo luận toàn diện hơn về hiện tượng
đồng nghĩa sẽ bắt ta phải xử lí. Một số khó khăn và phức tạp như vậy sẽ được đề
cập trong Chương 4, trong chừng mực nghĩa miêu tả được quan tâm, liên quan đến
khái niệm dẫn ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét