Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 9: Ngôn bản và diễn ngôn; ngữ cảnh và văn cảnh (4) 9.4. Hàm ý và hàm ngôn quy ước

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 9: Ngôn bản và diễn ngôn; ngữ cảnh và văn cảnh (4)



9.4. Hàm ý và hàm ngôn quy ước

Có một nghĩa thường ngày của từ ‘hàm ý’, theo đó qua phát ngôn của mình, ta có thể, và thường như vậy, hàm ý một điều gì đó khác điều ta nói ra trên thực tế. Ví dụ, khi được hỏi ý kiến về tư cách của một người nào đó, ta có thể nói:

(14) He'd share his last crust of bread with you
(Anh ta sẽ chia sẻ lát bánh mì cuối cùng với bạn)

Hiển nhiên, thực tế ta không nói về người đó rằng anh ta vừa tốt bụng vừa hào hiệp. Song có thể có cơ sở để cho rằng ta hàm ý điều này. Thế thì, ta hãy nêu ra một sự phân biệt giữa cái trên thực tế được nói ra, hay được thể hiện, trong một phát-ngôn-thành-phẩm và cái được truyền đạt, hoặc thông qua cái được nói ra hoặc thông qua cái sự kiện nói ra cái được nói ra đó.

Rất nhiều thông tin từ người nói được truyền đạt (conveyed) đến người nghe trong hội thoại hàng ngày là được ngầm hiểu chứ không phải được khẳng định quả quyết. Trong một số trường hợp, tất nhiên, không rõ liệu người nói có ý định muốn người nghe rút ra một suy diễn cụ thể hay không. Và điều này một mặt dẫn đến sự hiểu nhầm và sự hình dung sai lạc, mặt khác lại mở đường cho người nghe hiểu được vấn đề một cách tinh tế. Tuy nhiên, trong cái mà ta có thể nghĩ như kiểu tình huống chuẩn, không chỉ người nghe rút ra được những suy diễn mà người nói muốn, mà những suy diễn này cũng là những gì mà bản thân người nói, nếu được hỏi, cũng sẽ đồng tình. Tôi đã giả định rằng tình hình là như vậy đối với (14). Tuy nhiên, cũng khá dễ dàng bịa ra một tình huống phát ngôn, theo đó người nghe sẽ không suy diễn rằng cái người được nói đến là tốt bụng và hào hiệp. Cũng dễ dàng như vậy để nghĩ ra những tình huống theo đó người nói có thể vờ muốn người nghe rút ra điều suy diễn này.

Trong những năm gần đây, khái niệm hàm ngôn (implicature) đã được nêu ra trong triết học ngôn ngữ, và kế đó là trong ngôn ngữ học, để san lấp phần nào khoảng cách giữa, một mặt, là các khái niệm lô gic chuẩn tắc về hàm ý và dẫn ý vốn được vận dụng trong nghĩa học hình thức và mặt khác, là cái khái niệm thường ngày rộng hơn về hàm ý. Theo Paul Grice trong Tập bài giảng William James 1967/8 của ông (xem Grice, 1975, 1989), có hai loại hàm ngôn: hàm ngôn quy ước (conventional) và hàm ngôn hội thoại (conversational). Sự khác biệt giữa chúng là: hàm ngôn quy ước thì phụ thuộc vào cái gì đó khác với những gì mang tính hàm chân trị, trong cách dùng quy ước, hay nghĩa quy ước, của những dạng thức và biểu thức cụ thể, trong khi đó hàm ngôn hội thoại lại nảy sinh từ một tập hợp những nguyên tắc chung hơn, giúp hội thoại diễn tiến đúng đắn. Hàm ngôn hội thoại sẽ được khảo sát trong mục tiếp theo.

Người ta lập luận rằng, ví dụ, sự khác biệt giữa các dạng thức but (song/nhưng) và and (và) trong tiếng Anh có thể được giải thích thông qua khái niệm hàm ý quy ước. Những ai chấp nhận quan điểm này, trong đó có Grice, sẽ cho rằng hai câu sau đây có chung nội dung mệnh đề:

(15) ‘He is poor and he is honest’
(Anh ta nghèo và trung thực)

(16) ‘He is poor but he honest’.
(Anh ta nghèo song trung thực)

Nếu họ cũng đồng nhất nghĩa của câu với nội dung mệnh đề, họ sẽ cho rằng hai câu này có cùng nghĩa. Hầu hết người bản ngữ nói tiếng Anh thao tác với khái niệm thường ngày về ‘nghĩa’ rất có thể không đồng ý như vậy (xem 6.3). Những người ủng hộ nghĩa học hàm chân trị có thể xử lí ổn thoả chuyện này – nếu họ thừa nhận rằng có một cái gì đó như hàm ngôn quy ước – bằng cách quy sự khác biệt về nghĩa rõ ràng đó về cái hàm ngôn quy ước được gắn với dạng thức but (song/nhưng). Họ có thể nói rằng việc dùng but, khác với and, cho biết người nói cảm thấy có một kiểu tương phản nào đó giữa hai mệnh đề được nối kết.

Chẳng hạn, với giả định rằng hai câu trên đều được dùng để nêu nhận định và đại từ nhân xưng ‘he’ (anh ta) cùng chỉ một người trong mỗi mệnh đề được kết nối, thì khi phát ngôn (16), người nói có thể hàm ý (implicating) (dầu không xác nhận) rằng việc một người vừa nghèo vừa trung thực là không bình thường. Song cái hàm ý, hay hàm ngôn này liệu có xác quyết rõ như vậy hay không ? Bên ngoài ngữ cảnh, không có cách nào biết chính xác người nói đang hàm ý đến mệnh đề nào trong số vài mệnh đề. Họ có thể cho biết (tự nguyện hoặc không) là họ ngạc nhiên, rằng không phải bất kì ai thì cũng nghèo và trung thực, mà là có một người như vậy; hoặc, một khả năng khác, họ ngạc nhiên rằng không phải bất kì ai trong hoàn cảnh của cá nhân này hoặc cá nhân này trong bất kì hoàn cảnh nào cũng như vậy. Thực tế, họ có thể chẳng hề thể hiện sự ngạc nhiên nào của họ, mà chỉ chờ đợi rằng người đối thoại sẽ ngạc nhiên. Trên thực tế, còn có một loạt khả năng khác nữa, mà hầu hết có thể được gộp đại khái vào khái niệm tương phản. Song trong hầu hết trường hợp, sẽ rất khó nói chính xác cái gì đang được hàm ý qua việc dùng but và không thể làm được việc này nếu không cân nhắc, ở mức độ chi tiết nào đó, cái ngữ cảnh thực tại của phát ngôn.

Những người thảo luận khái niệm hàm ngôn thường mặc nhiên thừa nhận rằng sự khác biệt giữa and và but không thể thuộc về cái nội dung mệnh đề của cái câu ghép chứa chúng (và ta đã ngầm thừa nhận luận điểm này trong mục 6.3). Song có những tình huống trong đó người nói có thể dùng but và and một cách tương phản trong phạm vi của động từ ‘nói’, và thậm chí của tính từ ‘chân thực’. Ví dụ, ở một điểm nào đó trong quá trình lập luận, họ có thể cho rằng người nghe hình dung vấn đề một cách sai lạc:

(17) I did not say that he was poor but honest, I said that he was poor and honest. And that's a very different thing. Personally, I don' t find it surprising that anyone should be both. Let us recapitulate then. It is true that he is poor and honest; it is not true – in my view at least – that he is poor but honest. We both subcribe to the truth of the proposition that he is poor and he is honest. We appear to disagree as to the truth of the proposition that he is poor but he is honest.
(Tôi không nói rằng anh ta nghèo song trung thực. Tôi nói rằng anh ta nghèo và trung thực. Và đó là một chuyện rất khác. Về mặt cá nhân, tôi không thấy có gì lạ về việc ai đó có cả hai đặc điểm này. Thế thì, ta sẽ tóm lược vấn đề như sau: Đúng là anh ta nghèo và trung thực; và không đúng là – ít nhất theo quan điểm của tôi – anh ta nghèo song trung thực. Chúng ta đều thừa nhận về tính chân thực của mệnh đề rằng anh ta nghèo và anh ta trung thực. Song chúng ta có vẻ không đồng ý với nhau về tính chân thực của cái mệnh đề rằng anh ta nghèo song anh ta trung thực).

Tôi cố tình tạo ra đoạn văn này sao cho nó bắt đầu với cách dùng hàng ngày của từ ‘say’ (nói) và kết thúc với lối dùng chuyên môn được thừa nhận của từ ‘proposition’ (mệnh đề). Tôi nghĩ, dùng but và and một cách tương phản trong phạm vi của động từ ‘say’ (nói) thì hẳn là tự nhiên hơn so với trong phạm vi của từ ‘proposition’ (mệnh đề). Tuy thế, đoạn văn này, với tư cách một tổng thể, là khả chấp về mặt ngôn ngữ học, nếu không nói là về mặt triết học hoặc lô gic học, và việc liệu nó có được phán quyết là khả chấp về triết học và lô gic học hay không sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận những giả định cụ thể.

Không khó để tìm hoặc kiến tạo những ví dụ tương tự trong đó những cú ghép chứa but có thể được dùng sau động từ ‘say’ (nói) theo cái, ít ra, có vẻ mang nghĩa ‘xác nhận’ (trong cái nghĩa lô gic của từ ‘xác nhận’). Điều này không chứng tỏ rằng but có đóng góp nội dung gì đấy khác với nội dung mà and đóng góp vào nội dung mệnh đề của những cú như vậy. Quan trọng hơn, nó cũng cho thấy cách thức mà các phương tiện từ vựng và ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể có thể được điều chỉnh (adapted) và khai thác (exploited) để mệnh đề hoá những gì về bản chất không thuộc mệnh đề. Đây là một trong những luận điểm quan trọng nhất. Nó sẽ được tiếp tục và cấp thêm ví dụ minh hoạ trong Chương 10, với dẫn chiếu cụ thể về tình thái và tính chủ quan.

Ví dụ duy nhất khác mà bản thân Grice nêu ra trong bài giảng 1967/8 của ông để minh hoạ khái niệm hàm ngôn quy ước là việc dùng therefore (do đó). Tuy nhiên, một khi ta nhìn lại toàn bộ cách sử dụng ngôn ngữ chứ không đơn giản chỉ là một sự biện luận ít nhiều có tính hình thức, như Grice đã làm, ta có thể mở rộng một cách rất đáng kể danh sách các dạng thức thoả mãn tiêu chí của ông về hàm ngôn quy ước. Nhiều liên từ vốn dùng trong liên kết ngôn bản, nối đơn vị ngôn bản này với đơn vị ngôn bản khác, là nằm trong định nghĩa của ông: however (tuy nhiên), moreover (hơn thế nữa), nevertheless and yet (tuy vậy, nhưng mà) v.v... Cũng như vậy, là những tiểu từ tình thái như even (thậm chí), well (hầu như) hoặc just (vừa, mới), như trong các phát ngôn sau đây:

(18) Even Horace likes caviare,
(19) You may well be right
(20) It was just one of those things.

Tiếng Anh, giống như tiếng Pháp, có tương đối ít tiểu từ tình thái, nếu so với tiếng Đức, tiếng Nga và nhiều ngôn ngữ khác. Song, như các ví dụ (18)-(20) cho thấy, chúng có một số. Hơn thế nữa, tính có nghĩa và tính quy ước của chúng là hiển nhiên xuất phát từ cái thực tế rằng chúng có thể bị chuyển dịch sai; và cần lưu ý rằng sự chuyển dịch sai là có khả năng xảy ra ở bất kì nơi nào không thể chuyển dịch chính xác.

Luận điểm thứ hai được nêu ra là, có vẻ không có lí do gì để hạn chế khái niệm hàm ngôn quy ước trong phạm vi liên từ và tiểu từ. Như ta đã thấy ở Phần 2, nhiều biểu thức mang nghĩa từ vựng hoàn toàn là đồng nghĩa miêu tả với nhau, song chúng lại khác biệt về nghĩa xã hội hay nghĩa biểu cảm. Phần lớn, nếu không nói là tất cả, những khác biệt này có vẻ nằm trong định nghĩa của Grice về hàm ngôn quy ước. Nói như vậy có nghĩa là, những khác biệt về hình thái và cú pháp, cũng như những khác biệt giữa từ vị và tiểu từ, đều có thể gắn với những gì mà nhiều nhà nghĩa học theo Grice sẽ xếp vào hàm ngôn quy ước.

Điều này cũng đúng với sự khác biệt thể hiện trong những ngữ cảnh cụ thể bởi việc chọn một biểu thức này chứ không phải biểu thức khác. Ví dụ, nếu ai đó nói:

(21) Christ tells us to love our neighbour
(Chúa bảo ta yêu thương đồng loại)

hoặc:

(22) Christ has told us to love our neighbour

chứ không phải là:

(23) Christ told us to love our neighbour,

thì ta có thể hiểu người đó đã ngầm cho biết sự huấn thị hay cổ suý của Christ đã có, và hiện vẫn giữ, một thẩm quyền và hiệu lực nào đó. Thực tế, những khác biệt về thời và thức, không phải chỉ trong tiếng Anh mà còn trong nhiều ngôn ngữ, thường gắn với những khác biệt về nghĩa biểu lộ; và chúng cực kì khó chuyển dịch thoả đáng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Cho dù ta có giới hạn ở phần lời, mang tính trung-gian-có-thể-chuyển-dịch của phát ngôn, ta cũng có thể thấy rằng có nhiều phương tiện từ vựng và ngữ pháp hơn, so với những gì mà Grice (và các môn đệ của ông) đã xem xét dưới cái đề mục hàm ngôn quy ước, có thể được người nói dùng để ngầm biểu hiện một cách quy ước một điều gì đấy vượt ra ngoài và bên trên điều họ nói ra trên thực tế.

Luận điểm thứ ba, luận điểm cuối cùng là, giống như không có lí do gì để giới hạn việc áp dụng khái niệm hàm ngôn quy ước chỉ trong việc dùng ngôn ngữ để biện luận ít nhiều mang tính hình thức, cũng không có lí do gì để giới hạn nó trong phạm vi nghĩa mệnh đề, hoặc nghĩa miêu tả. Tôi đã gợi ý rằng những khác biệt về nghĩa xã hội và nghĩa biểu lộ trong số những biểu thức đồng nghĩa về nghĩa miêu tả (trong chừng mực chúng được từ vựng hoá trong những ngôn ngữ cụ thể) có thể được xếp vào phạm vi của khái niệm hàm ngôn quy ước. Song nghĩa xã hội và nghĩa biểu lộ lại được chuyển tải ở tất cả các cấp độ của cấu trúc ngôn ngữ, và rất đa dạng. Một vài nhà lô gic học hoặc ngôn ngữ học sẽ mong muốn mở rộng khái niệm hàm ngôn quy ước ra đến chùng mực như tôi quan niệm. Trên thực tế, có nhiều người bác bỏ, cho rằng nó không có giá trị gì cả. Một số nhà nghĩa học hàm chân trị sẽ biện minh rằng những hàm ngôn được mặc nhận đó hoặc là những dẫn ý, hoặc là những hàm ngôn thuộc loại được Grice gọi là hàm ngôn hội thoại, chứ không phải quy ước. Những người khác thì cho rằng hiện tượng mà ta vừa thảo luận nên được xử lí như là những trường hợp tiền giả định, song tiền giả định cũng là một chủ đề khá gây tranh cãi trong khuôn khổ nghĩa học hàm chân trị (và dụng học).

Để tiếp tục thảo luận về (cái gọi là) hàm ngôn quy ước, sinh viên sẽ tham khảo các công trình chuyên sâu hơn, được dẫn trong mục ‘Gợi ý đọc thêm’. Tóm lại, có thể chỉ ra rằng những ai không có thiên kiến lí thuyết về một định nghĩa độc tôn mang tính hàm chân trị về ‘nghĩa’ đều có thể chấp nhận rằng tất cả các loại nghĩa đều được mã hoá- tức, nói theo thuật ngữ của Grice, được quy ước hoá (trong cấu trúc ngữ pháp và từ vựng (và ngữ âm) của những ngôn ngữ cụ thể). Tất nhiên, điều này không làm giảm bớt khó khăn trong việc xác định, ở trường hợp những phát ngôn riêng lẻ hoặc khái quát hơn, rằng chính xác thì nghĩa gì được mã hoá trong các từ vị, các tiểu từ và các phạm trù ngữ pháp của những ngôn ngữ cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét