Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (5) 1.5. Từ: dạng thức và nghĩa

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 1: Những mở đầu về siêu ngôn ngữ (5)



1.5. Từ: dạng thức và nghĩa

Đây là lúc thuận lợi để đưa ra những quy ước trình bày nhằm phân biệt dạng thức và nghĩa, cơ sở cho các thao tác của ta trong suốt cuốn sách này. Ngay từ ví dụ đầu tiên, đã có những giải thích về dạng thức và ý nghĩa của từ. Sự giải thích này sau đó có thể mở rộng, như chúng ta sẽ thấy, cho các ngữ đoạn, câu và các biểu thức ngôn ngữ khác.

Một trong những giả định ngầm ẩn mà ta đã tuân thủ và bây giờ có thể được làm rõ là các từ (và các biểu thức ngôn ngữ khác, gồm ngữ đoạn và câu) thì có ý nghĩa. Chúng cũng có dạng thức (form): thực tế, trong tiếng Anh cũng như bất kì các ngôn ngữ tự nhiên khác, những ngôn ngữ gắn với một hệ thống chữ viết, bất luận là theo thứ tự bảng chữ cái hay không, và được dùng rộng rãi, thì từ có cả dạng thức nói lẫn dạng thức viết được chấp nhận theo quy ước. (Trong một số trường hợp, cùng một ngôn ngữ nói lại gắn với những hệ thống chữ viết khác nhau, cho nên cùng một từ được nói ra có thể có vài dạng thức chữ viết khác nhau. Ngược lại, và thú vị hơn, nhiều ngôn ngữ nói (spoken languages) khác biệt nhau về âm vị học lại có thể thể gắn bó với không chỉ cùng một hệ thống chữ viết mà còn với cùng một ngôn ngữ viết (written language), miễn sao, như trường hợp của cái được gọi là những phương ngôn của tiếng Trung Quốc hiện đại, tồn tại một mức độ thích đáng về tính đẳng hình (isomorphism) ngữ pháp và đẳng hình từ vựng trong số các ngôn ngữ nói khác nhau đó, tức là một mức độ đồng nhất được chấp nhận về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng). Nói chung, chúng ta không cần phải nêu ra sự phân biệt giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, mặc dù để thực hiện điều đó, khi cần thiết thì một số quy ước đã được xác lập khá hoàn hảo trong ngôn ngữ học (bao gồm việc sử dụng các kí hiệu phiên âm quốc tế, được đặt trong dấu ngoặc vuông hoặc dấu nghiêng để biểu thị các dạng thức ngữ âm hay âm vị). Tuy nhiên, chắc chắn cần phải phân biệt cái đơn vị từ (được xem như là một đơn vị hai mặt) với cả dạng thức lẫn ý nghĩa của nó. Và để thực hiện điều này, ta có thể sử dụng cái dạng thức viết thường ngày của từ để biểu thị không chỉ bản thân cái từ đó như là một đơn vị có hai mặt hình thức và nội dung, mà còn để biểu thị hoặc dạng thức hoặc ý nghĩa, được coi là độc lập với nhau. Người ta đã làm như vậy khi dùng tiếng Anh và các ngôn ngữ thường ngày khác làm siêu ngôn ngữ trình bày. Tuy nhiên, để làm rõ chức năng nào trong số ba chức năng siêu ngôn ngữ khác nhau trên đây đã được cái dạng thức viết của từ thực thi trong một trường hợp cụ thể, ta cần xác lập những quy ước trình bày đặc biệt.

Đáng tiếc là, những quy ước trình bày được các nhà ngôn ngữ học sử dụng phổ biến nhất lại không thể phân biệt rõ ràng và nhất quán, một mặt, giữa các từ (và các biểu thức khác) và mặt khác, giữa các dạng thức hoặc ý nghĩa của chúng. Trong cuốn sách này, các dấu trích đơn (single quotation-marks) sẽ được dùng để biểu thị từ và các đơn vị hai mặt với cả dạng thức lẫn nghĩa khác; các chữ in nghiêng (italic) (không có dấu trích) để biểu thị dạng thức (bất luận ở dạng nói hay dạng viết); và dấu trích kép (double quotation-marks) để biểu thị nghĩa (hoặc nghĩa hệ thống).

Với một chút ngẫm nghĩ, ta sẽ thấy rằng tất cả những gì được ta thực hiện cho đến bây giờ là hệ thống hoá và điển chế hoá (tức quy định) một số quy ước về tiếng Anh viết với tính cách là siêu ngôn ngữ đời thường, nhằm vào những mục đích riêng của chúng ta. Khi những người sử dụng tiếng Anh bình thường (hoặc những ngôn ngữ tự nhiên khác) muốn dẫn ra một từ, họ sẽ trích dẫn nó hoặc dưới dạng viết hoặc dưới dạng nói, tuỳ từng trường hợp. Ví dụ, họ có thể nói:

(20) Can you tell me what ‘sequipdalian’ means?
(Bạn có thể nói cho tôi biết từ ‘sequipdalian’ có nghĩa là gì không?)

và câu trả lời có thể là:

(21) I’m sorry, I can’t: look it up in the dictionary
(Rất tiếc là tôi không thể: hãy xem nó trong từ điển)

ở đây, từ ‘it’ (nó) , trong ngữ cảnh, vừa chỉ ra lại vừa có thể được thay thế bằng từ ‘sequipdalian’. Tương tự, những từ điển quy ước của tiếng Anh và các thứ tiếng khác gắn với một hệ thống chữ viết ghi âm tố sẽ đồng nhất từ với dạng thức của chúng, liệt kê chúng theo một trật tự chữ cái thuần tuý quy ước, vốn được dạy ở trường phổ thông nhằm vào chính mục đích này.

Ta vừa công khai chấp nhận một quy ước trình bày để phân biệt từ (và các biểu thức ngôn ngữ khác) với cả nghĩa lẫn dạng thức của chúng. Nhưng trong nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Anh, từ cũng có thể có hơn một dạng thức. Chẳng hạn, danh từ ‘man’ (người đàn ông) có những dạng thức khác biệt nhau về ngữ pháp man, man’s, men và man’s; động từ ‘sing’ (hát) có những dạng thức khác biệt nhau về ngữ pháp sing, sings, singing, sang và sung; v.v... Các dạng thức khác biệt về ngữ pháp của cùng một từ này được truyền thống miêu tả như là các dạng thức biến hình (inflectional): giống như phần lớn các danh từ đếm được trong tiếng Anh, danh từ ‘man’ biến đổi hình thái theo các đặc trưng ngữ pháp (chính xác hơn, là các đặc trưng hình thái-cú pháp (morphosyntactic) về số ít/số nhiều và sở hữu; giống như phần lớn các động từ trong tiếng Anh, động từ ‘sing’, biến đổi hình thái theo các phạm trù ngữ pháp về thời (thời hiện tại khác với thời quá khứ) v.v... Một số ngôn ngữ biến đổi hình thái ở mức độ cao hơn các ngôn ngữ khác. Tiếng Anh, khác với tiếng Nga hoặc tiếng Latin, hoặc thậm chí khác với tiếng Pháp, tiếng Italia... hay tiếng Đức, không có nhiều biến thể hình thái trong dạng thức của từ; và một số ngôn ngữ (được gọi là ngôn ngữ phân tích tính, hay ngôn ngữ đơn lập) đáng chú ý như tiếng Việt, tiếng Hán thì không biến hình. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa từ và dạng thức của nó là quan trọng, ngay cả khi từ không có các dạng thức biến hình phân biệt.

Đối với tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, trong số các dạng thức biến hình của một từ, một dạng thức sẽ được quy ước xem như là dạng trích dẫn (citation-form), nghĩa là dạng được dùng để trích, để chỉ ra chính cái từ mà nó đại diện với tư cách là một phức thể. Và đó thường là dạng trích dẫn thường được thấy, theo thứ tự bảng chữ cái, ở đầu mỗi mục từ trong các từ điển quy ước tiếng Anh và những ngôn ngữ gắn bó với hệ thống văn tự xếp theo bảng chữ cái khác.

Cái dạng trích dẫn thường ngày của một từ được chấp nhận theo quy ước không nhất thiết phải là cái dạng thức mà nhà ngôn ngữ học có thể xác định như là gốc từ hoặc thân từ. Nói chung thì trong tiếng Anh ngẫu nhiên mà dạng trích dẫn thường ngày của phần lớn các từ trùng với thân từ của chúng, trừ các động từ. Nhưng tình hình như vậy không xảy ra ở tất cả các ngôn ngữ. Trong cuốn sách này, đối với tất cả các ngôn ngữ khác tiếng Anh, chúng ta sẽ sử dụng bất kì dạng trích dẫn nào được thừa nhận rộng rãi nhất trong truyền thống từ điển học chủ lưu của các ngôn ngữ ấy. Trong tiếng Anh, khi xem xét động từ thì có hai cách quy ước để chọn lựa. Cách quy ước có tính thường ngày, đậm tính truyền thống hơn nhưng hiện nay ít được nhà ngôn ngữ học thừa nhận hơn, là sử dụng cái được gọi là dạng nguyên thể, vốn gồm tiểu từ to cộng với thân từ (hoặc trong trường hợp các động từ bất quy tắc, cộng với một trong các thân từ), ví dụ: ‘to love’, ‘to sing’, ‘to be’... Cách quy ước ít mang tính truyền thống hơn, mà tôi chấp nhận, là sử dụng thân từ (hoặc một trong số các thân từ) không chỉ cho danh từ, đại từ, tính từ, trạng từ mà còn cả cho động từ, nghĩa là không chỉ dùng ‘man’, ‘she’, ‘good’, ‘weel’ mà còn ‘love’, ‘sing’, ‘be’... Có những lí do xác đáng để chọn thân từ (hoặc một trong số thân từ) với tư cách là dạng trích dẫn trong những ngôn ngữ như tiếng Anh. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì việc chọn một dạng thức này chứ không phải một dạng thức khác trong siêu ngôn ngữ để chỉ chính cái từ mà nó đại diện là mang tính võ đoán và chỉ là một vấn đề quy ước.

Phần lớn các từ tiếng Anh không phải chỉ có hơn một dạng thức. Chúng còn có thể có hơn một nghĩa; và xét theo khía cạnh này thì tiếng Anh là tiêu biểu cho các ngôn ngữ tự nhiên. (Mặc dù tồn tại những ngôn ngữ tự nhiên trong đó mỗi từ có một và chỉ có một dạng thức, nhưng gần như chắc rằng không có, và chưa hề có ngôn ngữ tự nhiên nào trong đó mỗi từ có một và chỉ một nghĩa). Ví dụ, từ ‘food’ (bàn chân) có một số nghĩa. Nếu chúng ta muốn phân biệt các nghĩa này khi trình bày, chúng ta có thể đánh số chúng và ghi kèm các số này như là chú dẫn cho các kí hiệu biểu nghĩa, ví dụ: ‘food1’, ‘food2’,‘food3’... Khái quát hơn, giả định rằng X là dạng trích dẫn của một từ, chúng ta sẽ biểu thị từ đó là ‘X’ và nghĩa của nó (tức tập hợp một hoặc hơn một các nghĩa của nó) là “X”; và nếu nó có hơn một ý nghĩa thì chúng ta có thể phân biệt các ý nghĩa này như là “X1”, “X2”, “X3” v.v...

Tất nhiên, việc dùng các chú dẫn như vậy chỉ là một công cụ trình bày giản tiện, không nói lên điều gì cả về nghĩa của từ. Khi nào cần phải xác định các nghĩa khác nhau chứ không phải chỉ là biểu diễn kí hiệu như trên đây, chúng ta có thể dùng lối định nghĩa hoặc khúc giải. Ví dụ, đối với từ ‘foot’, chúng ta có thể nói rằng “foot1” là “phần kết thúc của chân”, rằng “foot2” là “phần thấp nhất của một ngọn đồi hay ngọn núi”... Làm thế nào để xác định được một định nghĩa hay cách khúc giải nào đó là đúng hay sai sẽ là vấn đề được thảo luận ở Phần 2. Ở đây tôi chỉ đơn giản quan tâm đến việc giải thích hệ thống siêu ngôn ngữ mà tôi đang sử dụng. Nhưng ở điểm này tôi cũng nên nói rõ là việc sử dụng hệ thống trình bày mà tôi đang xây dựng đây là dựa vào giả định rằng các nghĩa của từ đều mang hai đặc điểm sau: (i) tách biệt, và (ii) có thể phân biệt với nhau. Giả định này là điều thường được những người làm từ điển (và nhà ngôn ngữ học) định ra và được phản ánh trong kết cấu của hầu hết các từ điển chuẩn tắc.

Nhưng đối với những sinh viên trước đó chưa hề có kinh nghiệm về việc này thì việc lấy một số các từ tiếng Anh chung, như là ‘foot’, ‘game’, ‘table’, ‘tree’... và tra chúng trong một vài từ điển tường giải có uy tín sẽ là một kinh nghiệm hữu ích. Họ sẽ phát hiện nhiều khác biệt chi tiết, không chỉ về các định nghĩa được đưa ra, mà còn cả về số lượng các nghĩa được gán cho mỗi từ. Họ cũng sẽ thấy rằng một số từ điển, chứ không phải là tất cả, thể hiện những phân biệt ở mức độ chi tiết hơn, chẳng hạn như không chỉ phân biệt “X1” với “X2”, “X3”... mà còn phân biệt “X1a” với “X1b”, “X1c” v.v... ít nhất thì việc so sánh một số từ điển khác nhau theo cách như vậy cũng sẽ giúp làm sáng tỏ một điều là thật không dễ xác định một từ có bao nhiêu nghĩa, như những suy nghĩ loáng thoáng ban đầu có thể tưởng tượng ra. Nó cũng sẽ khiến ta nghi ngờ cái quan điểm cho rằng mọi từ điển đều đáng tin như nhau, và cũng nghi ngờ cái quan điểm ngược lại rằng một từ điển cá biệt nào đó (từ điển tiếng Anh của Oxford, của Webster v.v...) là duy nhất đáng tin cậy. Thực tế, nó thậm chí còn gieo thêm nghi ngờ rằng trong nhiều trường hợp, việc xác định một từ có bao nhiêu nghĩa không chỉ là khó khăn về mặt thực hành, mà còn là bất khả thi về nguyên tắc. Nghi ngờ này, như ta sẽ thấy, được khẳng định bởi những thể nghiệm lí thuyết và thực hành từ điển học về sau.

Bây giờ cần nói đôi chút về hiện tượng các từ đồng âm (homonyms): các từ khác nhau nhưng có cùng một dạng thức (theo định nghĩa truyền thống). Phần lớn các từ điển phân biệt các từ đồng âm bằng cách gán cho chúng các chữ số (hoặc con chữ) phân biệt và cấp cho mỗi từ đồng âm một mục từ riêng. Chúng ta sẽ dùng các chú thích chữ số. Ví dụ, các từ ‘bank1’, có nghĩa là “tổ chức tài chính”, và ‘bank2’, có nghĩa là “sườn dốc của một con sông”, được xem là các từ đồng âm (xem hình 1.1). Việc chúng được các tác giả hoặc các nhà biên soạn của một cuốn từ điển nào đó phân loại là những từ đồng âm – tức những từ riêng biệt nhau (phần lớn các từ điển tiếng Anh đều phân loại chúng như vậy) – là quá rõ bởi chúng được cấp cho những mục từ riêng rẻ (bất chấp chúng có được đính kèm các con số hoặc con chữ phân biệt hay không). Một điều được giả định là những ai tham khảo từ điển đều có một hiểu biết cảm tính nào đó về khái niệm đồng âm truyền thống, thậm chí ngay cả khi họ không biết thuật ngữ truyền thống dùng để chỉ hiện tượng này, ví dụ, mặc nhiên là những người tham khảo từ điển sẽ nhất trí rằng ‘bank1’ là một từ khác biệt với ‘bank2’ và về mặt trực giác thìhiểu được rằng nói chúng là những từ khác biệt nhau thì ngụ ý gì. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy ở Phần 2, khái niệm truyền thống về đồng âm không thật rõ ràng như ấn tượng đầu tiên của ta về nó và cần được làm rõ hơn. Mặc dù ta tạm hoãn lại cuộc thảo luận đầy đủ hơn về từ đồng âm, thì vẫn có thể là hữu ích nếu ta trả lời trước một câu hỏi có thể đã xuất hiện ở bạn đọc, liên quan đến một hoặc hai ví dụ tôi vừa dẫn ra trong mục này. Nếu từ đồng âm là những từ có cùng dạng thức nhưng khác nhau về ý nghĩa thì tại sao chúng ta lại nói, ví dụ, “phần cuối của một cái cẳng chân” và “phần thấp nhất của một một ngọn đồi hay ngọn núi” là những nghĩa khác nhau của cùng một từ ‘foot’. Phải chăng ta không nên nói, như đã nói về các từ ‘bank1’ và ‘bank2’,rằng hai từ khác nhau, ‘foot1’ và ‘foot2’,là có liên quan với nhau?

bank
 

bank

Hình 1.1

Nói một cách ngắn gọn thì có hai lí do để ‘bank1’ và ‘bank2’ được truyền thống xem là hai từ đồng âm. Trước hết, chúng khác biệt nhau về mặt từ nguyên (etymologically): ‘bank1’ được mượn từ tiếng Ý (so sánh với từ tiếng Ý hiện đại ‘banca’); còn ‘bank2’ có thể được truy dấu vết từ tiếng Anh trung đại, và xa hơn là có nguồn gốc từ một từ Scandinavian (suy cho cùng thì có liên quan đến nguồn gốc German của từ tiếng Ý ‘banca’, nhưng khác biệt với nó trong quá trình phát triển lịch sử). Thứ hai, chúng được xem là không liên quan về ngữ nghĩa (semantically unrelated), tức người ta cho rằng không có mối liên hệ, chính xác hơn, là không có mối liên hệ được cảm nhận về mặt đồng đại nào giữa nghĩa của ‘bank1’ và ‘bank2’. Trong khi đó, hai ý nghĩa (hoặc hơn) của từ ‘foot’ là có liên quan về từ nguyên và ngữ nghĩa; trật tự đánh số và liệt kê chúng trong từ điển nói chung phản ánh quan điểm của người biên soạn về mức độ quan hệ gần gũi nhau của chúng, hoặc về phương diện lịch sử hoặc về phương diện đồng đại.

Khái niệm về mối liên hệ ngữ nghĩa sẽ được chúng ta xem xét kĩ hơn về sau, độc lập với việc khái niệm đồng âm đóng vai trò như thế nào (hoặc thực sự là có vai trò gì không) trong ngữ nghĩa học hiện đại. Bây giờ, chỉ cần lưu ý rằng, một khi đã chấp thuận khái niệm đồng âm của truyền thống, thường chúng ta có thể xác định một nghĩa của từ như là cái nghĩa trung tâm hơn (hoặc, nói theo cách khác, như là cái nghĩa trội hơn về ngữ cảnh) so với các nghĩa khác. Đây chính là cái nghĩa mà tôi muốn độc giả nghĩ đến mỗi khi tôi viện đến nghĩa của từ (mà không hề nói gì thêm) bằng kí hiệu dấu trích kép đã được giới thiệu trên đây. Khi cần thiết, một nghĩa có thể được phân biệt với các nghĩa khác bằng các kí hiệu chú thích hoặc bằng cách đính kèm, trong dấu trích kép, một khúc giải hay một định nghĩa (bộ phận) phù hợp với mục đích của ta. Như ta vừa thấy, các từ đồng âm có thể được phân biệt với nhau theo cùng một cách. Ví dụ, ta có thể phân biệt ‘sole1’ với ‘sole2’ (với giả định rằng đây đích thực là hai từ đồng âm, ở đây trực cảm của các độc giả có thể rất khác biệt nhau), bằng cách nói rằng từ thứ nhất có nghĩa (nôm na) là “phần đáy của bàn chân hay giày” và từ thứ hai là “một loại cá”. Tuy nhiên, phải thấy rằng kí hiệu trình bày, tự bản thân nó, chẳng qua cũng chỉ là một công cụ mà, như các công cụ khác, cần được sử dụng với một sự thận trọng và một kĩ năng thích hợp. Luận điểm này đáng được nêu ra ở đây, liên quan đến nhiệm vụ tương đối đơn giản – gần như là tầm thường – về những quy định đối với việc sử dụng chữ in nghiêng và các dấu trích cho các kiểu quy chiếu siêu ngôn ngữ khác nhau. Nó càng quan trọng hơn khi ta dùng đến các kí hiệu trình bày đặc biệt hơn, sẽ được giới thiệu trong các chương tiếp theo.

Như tôi đã nói từ trước, trong nhiều trường hợp hiện tượng đồng âm không thể được xác định chắc chắn như các trường hợp vừa được dẫn ra trong mục này khi nói về ‘bank1’ và ‘bank2’ hoặc ‘sole1’và ‘sole2’. Điều này sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương 2. Ta cũng làm như vậy đối với sự khác biệt giữa những biến thể ngữ nghĩa mà theo đó, thuật ngữ ‘từ’ được dùng theo cả nghĩa chuyên môn lẫn nghĩa thông thường hàng ngày. Cho đến lúc đó, ‘từ’ sẽ được sử dụng một cách lỏng lẻo và, như ta sẽ thấy ngay sau đây, mơ hồ (như nó thường được dùng trong đời thường). Trong lúc đó, độc giả nên lưu ý thường xuyên về tầm quan trọng của việc không được lẫn lộn các biểu thức ngôn ngữ tự nhiên, như từ, ngữ đoạn và câu, với dạng thức của chúng (hoặc bất kì dạng thức nào trong số các dạng thức của chúng). Muốn vậy, cần chú ý đặc biệt đến các quy ước trình bày đã được giới thiệu trên đây.

Cuối cùng, độc giả cũng nên chú ý là: (i) có thể có sự không ăn khớp nhau giữa dạng thức nói và dạng thức (hoặc các dạng thức) viết của từ (như đã được nêu ra nhưng không thảo luận ở đầu mục này); (ii) có nhiều cách khác nhau, theo đó các dạng thức có thể được coi là đồng nhất với nhau hoặc không. Việc dùng thuật ngữ ‘dạng thức’ (và cả cái từ phái sinh của nó ‘thuộc về dạng thức’) trong ngôn ngữ học đôi khi vừa lộn xộn vừa gây khó hiểu (xem Lyons 1968: 135–137). Tạm thời, về (i) và (ii), tôi thấy chỉ cần giải thích một cách vắn tắt các biến thể nghĩa hệ thống của thuật ngữ ‘dạng thức’ có quan hệ với nhau như thế nào và làm sao chúng có thể được phân biệt với nhau nếu cần phải phân biệt và khi cần phải phân biệt.

Ta đã bắt đầu từ sự phân biệt mang tính siêu ngôn ngữ, ít nhiều có tính đời thường, phi chuyên môn, giữa dạng thức và nghĩa bằng cách nói rằng từ (và các biểu thức khác) không phải là có dạng thức, mà là có một dạng thức. Sau đó ta thấy rằng, ở một số trường hợp và ở một số ngôn ngữ, từ (và các biểu thức khác) có thể có hơn một dạng thức, vốn thường – có điều không nhất thiết – phân biệt với nhau theo chức năng ngữ pháp. Ta hãy tạm thời bỏ qua cái thực tế là từ có thể có hơn một dạng thức phân biệt với nhau về ngữ pháp (hoặc về biến hình): nói như vậy tức cũng giả định rằng ta chỉ (tạm thời) quan tâm đến các ngôn ngữ đơn lập, hoặc phân tích tính, như tiếng Hán cổ (Classical Chinese) hoặc tiếng Việt.

Lợi dụng khả năng có thể dùng từ ‘form’ (dạng thức) vừa như một danh từ đơn vị, vừa như một danh từ khối (như tôi đã thực hiện trong đoạn văn trên và trong suốt mục này), bây giờ ta có thể nói rằng hai dạng thức là đồng nhất (theo một nghĩa nào đó về ‘đồng nhất’) nếu chúng có cùng một dạng thức. Ví dụ, hai dạng thức nói sẽ đồng nhất về mặt ngữ âm nếu cùng có cùng một cách phát âm; hai dạng thức viết (trong một ngôn ngữ dùng văn tự ghi âm tố) sẽ đồng nhất về chính tả nếu chúng có cùng cách viết. (Sự đồng nhất chính tả cần lập thức hơi khác đối với những ngôn ngữ dùng văn tự không ghi âm tố, nhưng điều này không ảnh hưởng đến việc áp dụng khái niệm đồng nhất chính tả cho những ngôn ngữ như vậy). Trong chừng mực ta quan tâm đến ngôn ngữ nói, một sự phân biệt xa hơn có thể được chỉ ra, giữa đồng nhất ngữ âm và đồng nhất âm vị. Những sinh viên đã quen với sự phân biệt này sẽ thấy được các vấn đề liên quan trong những trường hợp cụ thể; còn những ai không quen với sự phân biệt này thì không cần bận tâm đến nó. Chính sự đồng nhất thông thường về âm vị là vấn đề gây tranh cãi trong ngữ nghĩa học. Nhưng để đơn giản cho việc trình bày, ở điểm này tôi sẽ không nói đến sự khác biệt giữa đồng nhất ngữ âm và đồng nhất âm vị, tôi chỉ đơn giản đề cập đến những dạng thức đồng nhất hay không đồng nhất về ngữ âm (ở giọng điệu hay phương ngữ nào đó).

Tiếng Anh (ở hầu hết các phương ngữ) minh hoạ dễ dàng cho cái thực tế rằng hai (hoặc nhiều hơn) dạng thức viết có thể đồng nhất về mặt ngữ âm: so sánh soul và sole, great và grate, hoặc red và read (theo một trong số các cách phát âm khác nhau của nó). Tiếng Anh cũng cho thấy rằng hai hoặc hơn hai dạng thức khác nhau về ngữ âm có thể đồng nhất về mặt chữ viết: so sánh read ( trong have read đối lập với will read), blessed (trong The bishop blessed the congregation đối lập với Blessed are the peacemarkers). Kiểu đồng nhất mà ta vừa thảo luận và minh hoạ như vậy có thể được gọi là đồng nhất chất liệu (meterial identity). Như tôi đã giải thích, nó phụ thuộc vào cái phương tiện dùng để hiện thực hoá dạng thức. Có thể mở rộng và trau chuốt lại khái niệm về sự đồng nhất chất liệu, tuy nhiên sự trình bày phần nào sơ lược của tôi về vấn đề cũng đã đủ để phục vụ cho những mục tiêu được giới hạn có chủ đích của cuốn sách này.

Bây giờ ta hãy thảo luận cái thực tế là trong nhiều ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm cả tiếng Anh, được gọi bằng tên chuyên môn là các ngôn ngữ phi đơn lập (non-isolating) hay tổng hợp tính (về mặt hình thái học), từ có thể có hai hoặc hơn hai dạng thức khác biệt nhau về ngữ pháp: so sánh man (số ít, phi sở hữu cách), man' s (số ít, sở hữu cách), men (số nhiều, phi sở hữu cách) và men' s (số nhiều, sở hữu cách). Như đã thấy qua bốn dạng thức của từ ‘man’, các dạng thức của một từ (hay các biểu thức khác) phân biệt về mặt ngữ pháp – cụ thể hơn, là các dạng thức phân biệt về biến hình của một từ – sẽ thường khác biệt nhau về chất liệu (phi đồng nhất). Nhưng sự đồng nhất về chất liệu không phải là điều kiện cần, cũng không phải là điều kiện đủ để đồng nhất các dạng thức về mặt ngữ pháp (và, cụ thể hơn, là đồng nhất về biến hình). Ví dụ, dạng thức come có thể hành chức như là một trong những dạng thức thời hiện tại của ‘come’ (they come), mà cũng có thể như là dạng thức được truyền thống gọi tên là quá khứ phân từ của nó (they have come). Phải chăng trong cả hai trường hợp này, ta có cùng một dạng thức come? Câu trả lời là: theo một nghĩa nào đó thì đúng như vậy, nhưng theo một nghĩa khác thì không đúng như vậy. Come trong they come cũng là come trong they have come theo cái nghĩa chúng đồng nhất về mặt chất liệu (trong cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết). Nhưng come trong they come và come trong they have come là những dạng thức biến hình (inflectional forms) khác nhau của động từ ‘come’. Ngược lại, giả sử rằng có một số người thuộc cùng một biến thể tiếng Anh Chuẩn lại nói (hay viết) một cách trái khoáy là have learned trong khi những người khác nói (hay viết) have learnt (giữa hai cách nói này còn có những biến dạng khác) thì hai cái dạng thức learned và learnt khác biệt nhau về chất liệu này vẫn có thể được coi là đồng nhất (hay tương đương) về mặt ngữ pháp. Nói chính xác hơn thì: (trong biến thể tiếng Anh Chuẩn này) cùng một dạng thức ngữ pháp của từ ‘learn’ – hoặc cụ thể hơn trong trường hợp này, là cùng một dạng thức biến hình – đã được hiện thực hoá bởi hai dạng thức khác nhau về chất liệu (ngữ âm hoặc chữ viết).

Cuối cùng, những gì vừa được thảo luận về các kiểu đồng nhất khác nhau trên đây sẽ rất hữu ích cho những trình bày tiếp theo. Nó cũng củng cố cho luận điểm đã nêu ra trước đây về tầm quan trọng phải xác lập một bộ các thuật ngữ và các quy ước trình bày, hoặc bằng cách đặt quy định, hoặc bằng cách mở rộng, nhằm có được sự chính xác trong siêu ngôn ngữ trình bày. Nói chung, cái nghĩa mà tôi dùng cho thuật ngữ ‘dạng thức’ ở nhiều chỗ khác nhau trong cuốn sách này sẽ được ngữ cảnh làm rõ. Những lúc không có được một sự rõ ràng như vậy, tôi sẽ viện đến sự khác biệt vừa nêu ra ở đây giữa một đằng là các dạng thức được xem xét từ góc độ thành phần chất liệu và một đằng là các dạng thức được xem xét từ góc độ chức năng ngữ pháp của chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét