Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 2: Từ với tư cách là đơn vị mang nghĩa 2.0 Dẫn nhập

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 2: Từ với tư cách là đơn vị mang nghĩa

    • Dẫn nhập • Dạng thức và biểu thức • Đồng âm và đa nghĩa: lưỡng nghĩa từ vựng và lưỡng nghĩa ngữ pháp • Đồng nghĩa • Từ-dạng thức thực và từ-dạng thức hư • Nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp

2.0 Dẫn nhập

Như ta đã thấy trong chương trước, nói chung người ta nhất trí rằng từ, ngữ đoạn và câu của ngôn ngữ tự nhiên thì có nghĩa, rằng câu được cấu tạo nên bởi từ (và ngữ đoạn), và rằng nghĩa của câu là kết quả của các từ (và ngữ đoạn) tạo nên câu.

Song từ là gì? Và trên thực tế, có phải tất cả các ngôn ngữ tự nhiên đều có từ không? Những câu hỏi này thật không dễ trả lời như ấn tượng ban đầu của ta về chúng. Một lí do là, thuật ngữ ‘từ’ là lưỡng nghĩa, cả trong cách dùng hàng ngày lẫn trong cách dùng mang tính kĩ thuật của nhà ngôn ngữ học. Từ có thể được xem thuần tuý là những dạng thức (forms), được nói ra hay viết ra, hoặc xem xét theo một cách khác như là những biểu thức (expressions) phức hợp, bao gồm dạng thức và nghĩa. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi mà trong ngôn ngữ học, thuật ngữ ‘dạng thức’ lại được dùng theo nhiều nghĩa khác biệt, mặc dù có liên quan với nhau. Một trong những mục đích chính của tôi trong chương này là xác lập những quy ước về cách trình bày và về thuật ngữ nhằm tránh sự mơ hồ và nhầm lẫn.

Một lí do nữa giải thích vì sao không dễ nói cái gì đấy là từ hay không phải là từ như người ngoài ngành có thể nghĩ – hoặc nói rằng liệu tất cả các ngôn ngữ tự nhiên đều có từ hay không – đó là một số tiêu chí khác nhau đã tham gia vào việc định nghĩa từ, cả tư cách dạng thức lẫn tư cách biểu thức, và những tiêu chí này thường xung khắc với nhau. Thêm vào đó, một vài tiêu chí được nhà ngôn ngữ học sử dụng, xét riêng ra, là những tiêu chí không phân tách rõ ràng từ với cái không phải là từ.

Trong cuốn sách này, ta quan tâm chủ yếu đến tư cách biểu thức của từ, tức từ như là những đơn vị phức hợp vừa có dạng thức, vừa có nghĩa (chính xác hơn, như ta sẽ thấy, là những đơn vị điển hình có một tập hợp dạng thức và một tập hợp nghĩa). Mỗi khi thuật ngữ ‘từ’ được dùng mà không có thêm hạn định nào, đây chính là cái nghĩa mà nó được dùng. Thực tế thì, như sẽ được giải thích trong chương này, thuật ngữ ‘từ’ nói chung sẽ được dùng suốt cuốn sách này, đặc biệt trong Phần 2, để chỉ cái có thể được gọi, một cách không chuyên môn, là từ-từ điển (hoặc từ-vốn từ): tức theo cái nghĩa nó được dùng trong siêu ngôn ngữ thường ngày, ví dụ, khi người ta nói rằng một cuốn từ điển tường giải của ngôn ngữ đang xét nào đấy, lí tưởng là chứa đựng tất cả những từ có trong vốn từ của ngôn ngữ đó. Theo cái nghĩa này của thuật ngữ ‘từ’, tất cả các ngôn ngữ đều có từ.

Cái thuật ngữ chuyên môn mà ta sẽ dùng để chỉ những gì tôi vừa gọi là từ- từ điển đó, là ‘từ vị’. Danh từ ‘từ vị’ tất nhiên có liên quan đến các từ ‘từ vựng’ và ‘bộ từ vựng’. (Ta có thể quan niệm rằng ‘bộ từ vựng’ là có cùng nghĩa với ‘vốn từ’ hoặc ‘từ điển’). Từ vị là đơn vị từ vựng: đó là một đơn vị của bộ từ vựng. Cấu trúc từ vựng của một ngôn ngữ là cấu trúc của vốn từ vựng hoặc vốn từ của nó; và thuật ngữ ‘nghĩa từ vựng’, được dùng để đặt đầu đề cho Phần 2, do vậy tương đương với thuật ngữ ‘nghĩa của từ’ vốn được dùng rộng rãi, ít mang tính chuyên môn (song lại mơ hồ). Lí do mở rộng siêu ngôn ngữ của chúng ta bằng cách đưa ra những thuật ngữ chuyên môn hơn là ‘từ vị’ và ‘nghĩa từ vựng’ (phù hợp với các nguyên tắc đã phác hoạ trong mục 1.2) sẽ được giải thích trong chương này. Như ta sẽ thấy, không phải tất cả từ đều là từ vị và ngược lại, không phải tất cả từ vị đều là từ. Ta cũng sẽ thấy rằng, chẳng có gì mới mẻ hoặc kì cục, đây là điều mà bất kì ai tham khảo một cuốn từ điển quy ước cũng đơn giản mặc nhận, không nhất thiết phải suy ngẫm về những hệ luỵ của nó đối với lí thuyết ngữ nghĩa (và ngữ pháp).

Khi ta xem từ (và ngữ đoạn) như là những đơn vị có nghĩa, ta cũng sẽ phải xử lí cái thực tế là, một mặt, một dạng thức có thể gắn với vài nghĩa và mặt khác, cùng một nghĩa có thể gắn với vài dạng thức của từ. Thực tế này đã được ngữ pháp và từ vựng học truyền thống thừa nhận chính đáng và sẽ được thảo luận ở đây theo một quan điểm hoàn toàn truyền thống, dưới tên gọi của các khái niệm đồng âm (homonymy), đa nghĩa (polysemy) và đồng nghĩa (synonymy).

Cuối cùng, trong phạm vi chương này, ta sẽ xem xét sự phân biệt giữa nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp, vốn phái sinh từ sự phân biệt được nêu ra trong truyền thống giữa vốn từ của một ngôn ngữ và ngữ pháp của nó. Cách thức mà sự phân biệt này được nêu ra và được hình thức hoá sẽ thay đổi tuỳ theo khung lí thuyết cụ thể được sử dụng. Ví dụ, sẽ có một phân biệt đáng kể giữa cách lập thức sự khác biệt thao tác theo một thứ ngữ pháp dựa vào hình vị với cách lập thức với thứ ngữ pháp dựa vào từ, mang tính truyền thống hơn (mà ta đang sử dụng). Song ở mức độ tương đối sơ đẳng mà ta thảo luận vấn đề trong cuốn sách này, sự khác biệt giữa hai mô hình, hay lí thuyết, về cấu trúc ngữ pháp khác nhau trên đây không gây ra ảnh hưởng nào nghiêm trọng; việc kiểm tra lại điều này và công thức hoá lại những gì tôi đã nói về dạng thức và nghĩa, liên hệ với hình vị (và tổ hợp hình vị) chứ không phải với từ sẽ là một bài tập hữu ích cho những sinh viên nào đã có kiến thức cơ bản về lí thuyết ngữ pháp truyền thống hay hiện đại.

Về tác động của việc chấp nhận một mô hình phân tích ngôn ngữ chủ trương nêu ra sự phân biệt giữa vốn từ (hoặc bộ từ vựng) và ngữ pháp ở một vị trí khác với cái vị trí được nêu trong ngữ pháp và từ vựng học truyền thống, thì điều này cũng chẳng có gì quan trọng trong bối cảnh của cuốn sách này. Những ai nắm rõ sự phát triển gần đây trong lí thuyết ngữ pháp có thể dễ dàng có những điều chỉnh. Điều thực sự quan trọng là, bất luận người ta nêu ra sự phân biệt giữa ngữ pháp và từ vựng trong lí thuyết ngữ học đại cương và trong việc miêu tả những ngôn ngữ cụ thể theo cách thế nào đi chăng nữa, thì hai thứ này cũng cần phải được xem là bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau. Điều này sẽ được làm rõ khi ta chuyển từ Phần 2 sang Phần 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét