Share to be shared !

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chương 8: Các hành động ngôn từ và lực ngôn trung (4) 8.4 Nhận định, hỏi và cầu khiến

Linguistic Semantics: An Introduction
Chương 8: Các hành động ngôn từ và lực ngôn trung (4)

 

8.4 Nhận định, hỏi và cầu khiến

Chúng ta đang cho rằng tất cả các ngôn ngữ đều cấp cho người sử dụng những phương tiện để nêu nhận định, để hỏi và để cầu khiến, tức là để tạo ra những phát ngôn có các lực ngôn trung này. Tuy nhiên, từ giả định này, không thể nói được rằng tất cả các ngôn ngữ đều ngữ pháp hoá những sự khác biệt về lực ngôn trung này. Như chúng ta đã thấy ở chương 6, có thể có những câu tồn tại một cách trung tính xét về kiểu câu hay thức: đó là các câu (hoặc các clause), một mặt, không phải là trần thuật mà cũng không phải là nghi vấn; và mặt khác, không phải thuộc thức trực chỉ, giả định hoặc mệnh lệnh.

Tuy thế, có thể nhận biết được khá rõ hành động tại lời nào được thực hiện khi một trong số những câu này được nói ra. Hành động tại lời này có thể được nhận biết không chỉ từ ngữ cảnh mà còn từ cấu trúc ngôn điệu trùm lên phát-ngôn-thành-phẩm được tạo ra. Ví dụ, giả sử tiếng Anh không có câu nghi vấn, và giả sử đến mức mà

(35) ‘The door is open’

không phải là câu trần thuật mà là trung tính về kiểu câu, thì có thể phát ngôn ra câu này (như The door is open) với đường nét ngữ điệu đi xuống, ta cứ cho là như thế, để nêu nhận định và đường nét ngữ điệu đi lên để nêu câu hỏi. Điểm này đã được nêu từ trước. Đến đây nó có thể được khái quát hoá ở dạng chi tiết hơn khi tính đến cả quá trình phát ngôn ra câu nói mà chúng ta đang phác hoạ trong chương này.

Nhưng trước đây ta cũng thừa nhận rằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Anh, trong thực tế đã ngữ pháp hoá sự phân biệt các kiểu câu và thức; và hơn thế nữa, đã có một mối liên hệ thiết yếu giữa kiểu câu, một mặt, với thức, và mặt khác, với cái mà bây giờ chúng ta gọi là lực ngôn trung. Thực chất của mối liên hệ này là gì? Và làm thế nào mà các phát ngôn nhận định, hỏi và cầu khiến phân biệt với nhau về ngữ nghĩa? Tôi sẽ chỉ có thể trả lời một phần câu hỏi này theo quan điểm riêng.

Nêu một nhận định là biểu thị một mệnh đề và đồng thời bày tỏ một thái độ cụ thể đối với nó. Tôi sẽ gọi thái độ này, do những nguyên nhân sẽ được làm rõ khi chúng ta xem xét khái niệm tình thái, là sự cam kết nhận thức. (Thuật ngữ ‘nhận thức’, vốn bắt nguồn từ một từ Hi Lạp có nghĩa là “sự hiểu biết”, được các nhà lô gich học dùng để chỉ một nhánh lô gich tình thái nghiên cứu tri thức và những vấn đề có liên quan). Bất kì ai, một khi đã nói ra một mệnh đề nào đó thì cũng đều cam kết nó, không phải theo cái nghĩa rằng trong thực tế họ phải biết hoặc tin nó đúng đắn, mà là theo cái nghĩa rằng những nhận định tiếp theo của họ, và bất kì những gì có thể suy ra một cách hợp thức từ những ứng xử đi kèm và tiếp theo đó của họ, đều phải nhất quán với sự tin tưởng rằng nó là đúng. Điều này giải thích tính bất khả chấp hoặc tính nghịch lí của câu

(36) Trời đang mưa nhưng tôi không tin là trời đang mưa

(được hiểu như là một nhận định). Khi nêu bất kì nhận định nào như vậy, người nói can tội vi phạm cam kết về nhận thức.

Khi ta nêu một câu hỏi trung tính (tức không có định hướng nhận thức), ta biểu thị một mệnh đề và đồng thời cho biết ta không cam kết về giá trị chân thực của nó. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Như đã được thấy ở chương 6, phát ngôn Cái cửa có mở không? -đó là câu hỏi mà tôi từ chối hỏi, là hoàn toàn khả chấp. Trong trường hợp này, một câu hỏi được nêu ra, nhưng không phải để hỏi. Thế thì hỏi một câu hỏi không phải chỉ là biểu thị sự không cam kết về mệnh đề, tức là nêu mệnh đề như là một câu hỏi, mà còn là, khi làm như vậy, ta biểu lộ cho người nghe thấy được, bằng ngôn điệu, những dấu hiệu kèm lời hay bằng những cách khác, rằng ta mong muốn người nghe giải đáp cho sự không chắc biết của ta bằng cách gán một giá trị chân thực cho mệnh đề đang xét. Hệ quả là, bởi lí do này và các lí do khác, về bản chất hỏi không phải là một tiểu loại của cầu khiến (như một vài tác giả đã từng gợi ý).

Thế thì mệnh lệnh, thỉnh cầu và những dạng cầu khiến khác là gì? Chúng phân biệt với nhận định và những câu hỏi thông thường (tức trung tính) ở chỗ chúng liên quan đến một dạng cam kết khác từ phía người nói: đó là cam kết đạo nghĩa. (Thuật ngữ ‘đạo nghĩa’ xuất xứ từ một từ Hi Lạp có liên quan đến sự áp đặt những nghĩa vụ bắt buộc. Giống như thuật ngữ ‘nhận thức’, nó được vay mượn từ lô gich tình thái). Khi cầu khiến, người nói cam kết không phải về tính chân thực, hay tính thực hữu, của mệnh đề mà là về tính tất yếu của việc thực hiện hành động. Nói theo cách nói truyền thống hơn thì người nói biểu thị không phải xác tín của họ về một điều gì đó mà là ý muốn của họ mong một điều gì đó xảy ra.

Khi thỉnh cầu (chứ không phải nêu mệnh lệnh hoặc ra lệnh), người nói biểu thị ý của họ muốn điều gì đó xảy ra, nhưng họ cũng thừa nhận một cách rõ ràng rằng người nghe có quyền không tuân theo. Trong khía cạnh này, thỉnh cầu giống với câu hỏi không trung hoà, loại câu hỏi được gọi là câu hỏi dẫn dắt hay có định hướng, những câu hỏi như:

(37) Cái cửa mở, phải không?

mà khi phát ngôn câu này, người nói biểu thị sự cam kết phỏng chừng hay tạm thời của mình về thực cách của mệnh đề “Cái cửa mở” nhưng đồng thời thừa nhận người nghe cái quyền bác bỏ nó (xem mục 6.7). Nói một cách khác, trong hỏi định hướng và thỉnh cầu, người nói thể hiện sự cam kết của họ đối với các thành tố “nó-là-thế” (it-is-so) và “nó-nên-thế” (so-be-it) của phát ngôn và ngỏ ý muốn người nghe cũng vậy.

Sự phân tích các phát ngôn nêu nhận định, hỏi, mệnh lệnh và thỉnh cầu vừa được phác hoạ ở đây gợi ý rằng lực ngôn trung của chúng có thể được phân tích thừa số hoá, trong mỗi trường hợp, thành hai thành tố: một mặt, là thành tố thể hiện sự cam kết (“Tôi nói vậy”) hoặc sự không cam kết; và mặt khác, là thành tố có thể được coi là mang tính tình thái về tính thực hữu (“nó là thế”) đối lập với tính mong muốn (“nó nên thế”). Tôi dùng thuật ngữ ‘tình thái’ trong mối liên hệ này (thay vì nêu thêm một thuật ngữ nào đó chuyên môn hơn) bởi hai lí do. Thứ nhất, sự phân biệt giữa tính thực hữu và các dạng không có tính thực hữu là thuộc phạm vi của cái mà các nhà lô gích truyền thống coi là phạm trù tình thái. Tôi đã chuẩn bị cho việc xem xét phạm trù tình thái, sẽ được nói đến sau đây, bằng cách cố ý nêu ra các thuật ngữ ‘nhận thức’ và ‘đạo nghĩa’ (mục 10.5). Thứ hai, những sự phân biệt đó thường được ngữ pháp hoá trong ngôn ngữ thông qua phạm trù thức (mood). Tuy nhiên, điều quan trọng là thấy được rằng thức trong ngôn ngữ tự nhiên cũng có thể ngữ pháp hoá những kiểu dạng hoặc mức độ cam kết khác nhau.

Không được nhầm lẫn phạm trù ngữ pháp thức với cái mà một số nhà lô gích viện đến như là thức của một mệnh đề, vốn dựa trên sự khách quan hoá cái thành tố cam kết thực chất mang tính chủ quan. Đây chỉ là một phần của cái được biểu thị bằng phạm trù ngữ pháp thức, vốn là phạm trù, như chúng ta sẽ thấy ở chương 10, luôn luôn biểu thị tính chủ quan. Nếu một ngôn ngữ có một phạm trù ngữ pháp thức, được dùng một cách đặc biệt và đặc thù để biểu thị sự cam kết hoàn toàn của người nói thì đấy là thức được truyền thống miêu tả là thức trực thuyết. Tương tự, nếu một ngôn ngữ có một thức ngữ pháp được dùng một cách đặc biệt và đặc thù để áp đặt ý chí của ai đó đối với người khác thì đấy là thức được truyền thống miêu tả là thức mệnh lệnh.

Như ta cũng sẽ thấy ở chương 10, có nhiều cách khác nhau theo đó người nói có thể định tính sự cam kết nhận thức hoặc đạo nghĩa của họ. Tất cả các ngôn ngữ tự nhiên đều cấp cho người sử dụng chúng những phương tiện ngôn điệu và kèm lời cho phép họ thực hiện điều đó trong lời nói. Nhưng chỉ có vài, chứ không phải là tất cả, ngôn ngữ tự nhiên ngữ pháp hoá các dạng khác nhau và các mức độ cam kết khác nhau thông qua phạm trù thức; một số ngôn ngữ từ vựng hoá hoặc bán từ vựng hoá chúng thông qua các phó từ hoặc tiểu từ tình thái.

Tất cả những điều này sẽ được xem xét sau, khi bàn đến khái niệm tính chủ quan. Ở đây tôi chỉ nhắc đến nó, mà không hề đi vào chi tiết hoặc nêu ví dụ, là để cho thấy làm thế nào mà một quan điểm hoàn toàn truyền thống về thức lại có thể được định dạng lại trong khuôn khổ lí thuyết hành động ngôn từ mà Austin và các môn đệ đã phát triển. Như chúng ta vừa thấy trong chương này, Austin đã bắt đầu bằng việc xác định các phát ngôn ngôn hành tường minh như là một loại phát ngôn khá đặc biệt mà khi tạo ra chúng, người nói thực hiện một điều gì đó hơn là nói một điều gì đó, bằng phương tiện ngôn ngữ. Sau đó, ông đi đến thừa nhận rằng tất cả những sự nói năng đều là hành động và tất cả các dạng nói năng, bao gồm việc nêu nhận định, đặt câu hỏi, cầu khiến, đều được điều phối bởi các khái niệm trung tâm về thẩm quyền và sự cam kết.

Bản thân Austin cũng thừa nhận cơ sở xã hội của những khái niệm này, mặc dù không đi sâu vào khía cạnh này của vấn đề, và ở điểm này ông đã gặp gỡ, dù không được hiển ngôn, một mặt là với Wittgenstein đã quá cố, và một mặt, như chúng ta sẽ thấy ở chương tiếp theo, là với Grice. Ông có thể cũng đã nhấn mạnh vào tính chất cá nhân, hoặc tính biểu cảm, của các khái niệm thẩm quyền và cam kết. Đây là những gì được ngữ pháp truyền thống bàn đến khi trình bày về thức, được diễn đạt dưới hình thức sự đánh giá và ý muốn của người nói. Ở đây, cũng như ở những chỗ khác, không phải chỉ trong việc sử dụng ngôn ngữ mà còn trong tất cả cách ứng xử giao tiếp, nhân tố biểu cảm hoà lẫn với nhân tố xã hội và cuối cùng không phân biệt với nó nữa.

Thực tình, như một số nhà triết học, nhân chủng học và tâm lí học xã hội đã thừa nhận, trong mối quan hệ này, còn có một sự phân biệt quan trọng được nêu ra, giữa con người và cá thể, thể hiện ở chỗ chính con người chứ không phải cá thể, mới là đối tượng được quan tâm trong sự thảo luận về giao tiếp. Người ta còn lập luận rằng con người (hoặc cái bản ngã) là một sản phẩm mang tính xã hội, tức sản phẩm của sự xã hội hoá, và xã hội hoá là một quá trình mà ở đó, sự thụ đắc và sử dụng một ngôn ngữ cụ thể trong một nền văn hoá cụ thể đóng một vai trò cốt tử. Luận điểm này cũng sẽ được trở lại khi bàn về khái niệm tính chủ quan (mục 10.6).

Bây giờ cần phải nói đến điểm cuối cùng. Lí thuyết các hành động ngôn từ đôi khi được biện hộ, hoặc phê phán, như thể là một loại lí thuyết thay thế cho nghĩa học chân thực có điều kiện. Từ những chương trước của sách này, cần thấy rõ một điều rằng hai lí thuyết này, về nguyên tắc, là bổ sung cho nhau. Nghĩa học chân thực có điều kiện, như nó hiện được áp dụng cho các ngôn ngữ tự nhiên, là lí thuyết về nội dung mệnh đề của câu; còn lí thuyết hành động ngôn từ, nếu chúng ta giả định nó là lí thuyết hoặc nếu nó muốn là một lí thuyết, thì nghiên cứu lực ngôn trung của phát ngôn. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận của các nhà ngôn ngữ học và triết học xoay quanh vấn đề là Austin đúng hay sai khi ông nói rằng những phát ngôn kiểu như Tôi hứa trả anh/chị 5 Bảng, khi được dùng để hứa, thì không thể xét là đúng sai, mà là có hiệu quả (hoặc thành công) hay không mà thôi. Tôi đã không nói gì về cuộc tranh cãi này ở đây, bởi vì theo quan điểm của tôi, việc chúng ta xử lí vấn đề theo cách này hay cách khác không có gì là quan trọng; và việc ta xử lí nó thế nào không phụ thuộc nhiều vào thực tế bằng cái khung lí thuyết và triết học mà ta dựa vào đó để làm việc. Đối với mục đích của chúng ta, luận điểm quan trọng nhất là lực ngôn trung của những phát ngôn tường thuật miêu tả thường ngày như Trời đang mưa không thể được giải thích thoả đáng trong khuôn khổ của nghĩa học chân thực có điều kiện. Austin thống nhất với Frege khi nêu ra luận điểm này. Tôi cho rằng nó hoàn toàn xác đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét